Cần lắm sự chung tay

Có một cảm nhận chung rằng, những năm qua TPHCM phát triển nhanh – thành phố mở rộng hơn, vươn lên cao hơn, nhiều công trình kết cấu hạ tầng hiện đại đã đưa vào sử dụng, mảng xanh tăng lên, vỉa hè lát lại…Với chủ đề được chọn 3 năm liền về nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị, đã có nhiều sự khởi sắc. Tuy nhiên mọi cố gắng dường như chưa đủ để được thừa nhận chất lượng sống có tăng lên, chưa đủ để làm vơi bớt những nỗi lo. Đang cần lắm sự chung tay vì thành phố văn minh, hiện đại.

Thành phố có lớn hơn, có nhiều có chỗ để nói rằng Sài Gòn đẹp lắm nhưng không gian sống nói chung như chật hẹp hơn. Di chuyển nội đô tốc độ chậm hơn. Vỉa hè như không dành chỗ cho người đi bộ. Ở đâu cũng nói có quy hoạch nhưng ở đâu cũng có xây dựng mà đôi khi cũng rất khó hiểu là không biết theo quy hoạch nào. Đang kêu gọi những trường đại học di dời thì lại có ngay một trung tâm đào tạo gần đó…

Thành phố có lớn hơn nhưng ồn ào, náo nhiệt hơn. Có người bán nhà để ra ngoại thành nhưng sự đông đúc không mấy chốc cũng đến ngay ở đó, lại tìm cách quay về, nhưng không dễ dàng gì. Trình độ dân trí ngày một tăng nhưng ngày nào ra đường cũng nghe văng tục, cũng thấy những cư xử chưa đẹp, vẫn chạy xe lấn chiếm lòng lề đường, trong đó có không ít người cũng ăn mặc bảnh bao.

Có biết bao sự tương phản ở một thành phố rộng lớn, đáng yêu, dễ sống và cũng đầy những cam go, thách thức này. Có những nghịch lý đặt ra: Dường như sự phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật… chưa song hành với văn hóa. Dường như con người đang vây hãm chính mình, đang đối xử chưa tốt với thiên nhiên, môi trường và với chính bản thân mình. Nguyên nhân của những điều chưa vui ấy, có lẽ chủ yếu do sự quan tâm, đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng, ở các cấp độ. Ngoài ra, đòi hỏi ý thức của người dân, của cộng đồng phải được tăng cường cùng sự quản lý nhất quán, cứng rắn hơn của nhà nước, vì lợi ích chung.

Các chuyên gia về văn hóa, đô thị cho rằng, trong sự nỗ lực chung, thành phố có cải thiện nhiều điều ở lĩnh vực này nhưng chưa đồng đều và chưa thẩm thấu. Ở một thành phố đông dân, mô hình quản lý còn chưa phù hợp, cần phải có sự kiên trì, xem đây là việc làm thường xuyên liên tục và cần lồng ghép trong các cuộc vận động, các chương trình, dự án, các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Chúng ta cảm thấy sốt ruột khi bàn các vấn đề liên quan đến văn minh đô thị, dẫu biết rằng đây không chỉ là chuyện của trước mắt mà cũng là chuyện của lâu dài, của hàng chục năm, của nhiều thế hệ, của mọi người dân yêu thành phố.

Chung tay xây dựng thành phố văn minh, hiện đại chính là thông điệp chung, là hành động của mỗi người vì mục tiêu cùng hướng đến.

Dẫu biết rằng ở thành phố chúng ta, người sống có văn hóa, chấp hành pháp luật chiếm số đông nhưng còn có bộ phận xem thường những quy tắc ứng xử chung, thậm chí còn có những hành vi không thể chấp nhận được như rải đinh, lấy nắp cống… mà mức xử phạt, răn đe còn quá thấp (rải đinh chỉ xử phạt cao nhất 7 triệu đồng).

Cần có sự chung tay làm chuyển biến nhận thức, thái độ, hành vi. Trong sự chung tay này cần sự quan tâm đúng mức của nhà trường, gia đình, đoàn thể, xã hội; của các cơ quan truyền thông, các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ…

Cần thể hiện vai trò quản lý nhà nước trong quy hoạch, đầu tư, quản lý trật tự đô thị, môi trường đô thị, văn hóa đô thị…và xử lý sai phạm. Cần tiếp tục đề xuất về mô hình quản lý, cơ chế, chính sách pháp luật phù hợp, có những hình thức chế tài nghiêm khắc hơn, kể cả áp dụng hình thức lao động công ích.

Với mục tiêu và nội dung công việc cụ thể cho từng giai đoạn, với sự phân công, phân cấp và biện pháp khả thi, hy vọng sẽ duy trì được những kết quả đã đạt được trong những năm qua và tạo nên những bước chuyển mới tích cực hơn, tạo niềm tin trong cuộc hành trình liên tục, bền bỉ vì thành phố văn minh, hiện đại.

Phạm Phương Thảo

Tin cùng chuyên mục