Thời gian gần đây rộ lên khá nhiều diễn đàn thu hút sự quan tâm của xã hội. Trong khuôn khổ bài viết này chỉ dừng ở những vụ việc liên quan trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ. Từ vụ hát thế nào mới gọi là ca sĩ được phát pháo bởi một nhạc sĩ già, đến giá trị nghệ thuật của kịch Lưu Quang Vũ, hay mới nhất đây và chưa có dấu hiệu ngừng lại là có hay không có chuyện cái gọi là nhạc “sến” tác động tiêu cực đến giới trẻ và sự phát triển của âm nhạc nước nhà… Việc khơi gợi những diễn đàn như thế trên công luận là chuyện bình thường và đáng ra rất đáng mừng bởi đó là dấu hiệu xã hội đang trăn trở để hình thành chuẩn mực mới, nếu đa phần trong số ấy không biến thành những cuộc tranh cãi.
Thẳng thắn nhìn nhận, trên mặt báo lẫn truyền thông mạng gần đây thiếu vắng các cuộc tranh luận mang tính học thuật và xây dựng, trong khi lại thừa mứa tranh cãi. Người ta sẵn sàng đăng đàn cãi nhau về mọi thứ. Và xót thay, có nhiều phương tiện truyền thông cũng “tiếp tay” đăng tải những tranh cãi ấy một cách vô tội vạ. Tranh cãi đến mức bốp chát giữa thí sinh và giám khảo của một chương trình truyền hình.
Tranh cãi vì chuyện quỵt nợ của một cá nhân nghệ sĩ nào đó. Tranh cãi về một căn hộ, một chiếc siêu xe của nghệ sĩ nào đó có “chính chủ” hay không? Tranh cãi giữa một đại gia truyền thông với người nhà thí sinh về “sự thật” một chương trình truyền hình… Và trong các cuộc cãi vã ấy, người ta còn ném vào nhau cả những ngôn từ miệt thị nào có thể nghĩ ra.
Đáng tiếc thay, trong mớ hỗn loạn những cuộc cãi vã ấy, một vài vấn đề mang tính học thuật như kể trên đáng ra nên trở thành những diễn đàn tranh luận đúng nghĩa để qua đó rút tỉa những điều bổ ích thì đôi khi cũng sa vào tranh cãi với những ngôn từ rất khó chấp nhận. Thậm chí, như trong cuộc tranh luận về việc hát thế nào mới gọi là ca sĩ, mới đây có một người được định danh là nhà văn, thế mà khi tham gia “cuộc chiến” cũng dùng những từ ngữ hết sức chợ búa, kiểu gọi người khác là “lếu láo”, “mất dạy”!
Chính tình trạng “tranh luận thoái trào, tranh cãi lên ngôi” đã góp phần làm cho đời sống văn hóa - nghệ thuật ngày càng méo mó, thiếu định hướng và sa đà vào những nhố nhăng, bát nháo.
Giá trị của những cuộc tranh luận nghiêm túc sẽ góp phần rất lớn vào việc định hướng dư luận cũng như giúp các hoạt động nghề nghiệp, nhất là trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật phát triển đúng hướng. Thậm chí có khi tranh luận nảy lửa, để cuối cùng công luận, luôn sáng suốt, sẽ chấp nhận ý kiến đúng, loại bỏ ý sai để xã hội sẽ ngày một tốt đẹp hơn.
Một môi trường tranh luận đúng nghĩa là điều cần thiết và cần được phát huy để tranh luận không biến thành cãi vã chợ búa, không biến thành tấn công cá nhân, mượn diễn đàn triệt hạ nhau, mà ở đó, mỗi quan điểm, ý kiến cá nhân được lắng nghe, được mổ xẻ thấu đáo, tôn trọng sự khác biệt, thậm chí là đối chọi nhau hòng cùng đi đến việc tìm ra những giá trị, những chân lý đúng đắn, có ý nghĩa và tác động tích cực đến xã hội và cuộc sống. Văn hóa tranh luận là ở đó và giá trị của tranh luận cũng là ở đó!
KHẮC THI