Cần loại bỏ cơ chế xin cho

Cần loại bỏ cơ chế xin cho

Nếu các hiệp định thương mại giúp doanh nghiệp (DN) giảm giá thành sản phẩm được 1USD nhờ giảm thuế xuất khẩu, thì thuận lợi hóa thương mại có thể giúp DN tiết giảm 4USD khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường thế giới. Điều đáng tiếc, công tác quản lý hành chính của Việt Nam đang tồn tại quá nhiều bất cập, DN Việt khó có thể cạnh tranh được với DN nước ngoài trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Mất 15 ngày để thông quan một lô hàng

Nhận biết được vấn đề quan trọng của thuận lợi hóa thương mại, từ năm 2015, Chính phủ đã nỗ lực chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện cải cách thủ tục hành chính, song chưa đáp ứng tình hình thực tế và sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế.

Trên thực tế, các DN trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc kinh doanh, đầu tư do thủ tục hành chính chồng chéo, tốn kém thời gian và chi phí, làm lỡ thời cơ kinh doanh, đầu tư. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về các lĩnh vực, tuy nhiên các DN chưa có điều kiện tiếp cận một cách đầy đủ, nắm vững và thực hiện đúng, do số lượng văn bản quá nhiều, thường xuyên thay đổi và khó khăn trong việc thực hiện. Sự phối hợp giữa các bộ ngành, chính quyền các cấp trong việc điều hành, giải quyết công việc còn thiếu tập trung thống nhất. Trình độ chuyên môn, năng lực của một số cán bộ, công chức nhà nước còn có những hạn chế nhất định, gây khó khăn cho các DN.

Giải quyết hồ sơ doanh nghiệp tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Ảnh: THÀNH TRÍ)

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, hiện có khoảng 256 văn bản quy định về quản lý chuyên ngành, trong đó có 20 luật và pháp lệnh mà cơ quan hải quan phải xử lý trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan cho DN. Những quy định này đã ảnh hưởng rất lớn đến thời gian thông quan hàng hóa, trung bình mất khoảng 10 - 15 ngày. Trong đó, thời gian thực hiện thủ tục hải quan đối với một tờ khai/lô hàng tại cơ quan hải quan rất nhanh, chiếm khoảng 28% thời gian thông quan. Thời gian còn lại thuộc về phía DN và các cơ quan liên quan, trong đó các cơ quan quản lý chuyên ngành chiếm đến 72% thời gian thông quan hàng hóa. Trong khi đó, thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu ở các nước trong khu vực và tại các nước phát triển trên thế giới chỉ còn 48 giờ!

Cần loại bỏ cơ chế xin cho

Ông Đinh Ngọc Thắng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, nhấn mạnh một trong những bức xúc nhất hiện nay của DN là vấn đề kiểm tra chuyên ngành. “Đơn cử như chỉ là một món quà người dân mang từ nước ngoài về tặng người thân cũng phải bị kiểm định. Nhiều người dân vì quá bức xúc đã bỏ luôn món quà lại khu vực kiểm tra sân bay. Những người thực thi pháp luật như chúng tôi và các bộ, ngành liên quan cũng thấy bất cập và bức xúc thay cho người dân, nhưng vì là người thực thi nhiệm vụ nên không thể không làm”, ông Thắng cho biết. Với cá nhân còn bức xúc như thế, huống hồ là DN. Những công văn kiến nghị, kêu cứu Chính phủ của các DN như Tổng Công ty May Nhà Bè, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty cổ phần May Sài Gòn… thời gian gần đây đủ minh chứng sự bức xúc từ bất cập thủ tục hành chính tại nước ta đã lên đến đỉnh điểm.

Hiện để giảm thiểu phiền hà cho DN, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các DN kinh doanh cảng triển khai thành lập địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại một số cửa khẩu lớn. Gần đây nhất, Cục Hải quan TPHCM đã đưa vào hoạt động hai địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại 3 chi cục là Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh, với 8 cơ quan kiểm tra chuyên ngành tham gia (Viện Y tế công cộng TP; Cơ quan Thú y vùng 6; Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2; Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3; Công ty TNHH Giám định Vinacontrol; Trung tâm Khảo, kiểm nghiệm và kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; Phòng Kiểm tra văn hóa phẩm của Sở Văn hóa - Thể thao; Phòng Kiểm tra xuất bản phẩm của Sở Thông tin - Truyền thông). Trước mắt, trong năm 2016, cố gắng cắt giảm 50% thời gian làm thủ tục hải quan so với quy định và kiến nghị các cơ quan kiểm tra chuyên ngành phối hợp cắt giảm 50% thời gian giải quyết thủ tục chuyên ngành từ 10 - 15 ngày xuống còn 5 - 7 ngày theo quy định.

Thế nhưng, phải nhấn mạnh rằng để có thể làm được việc này, không phải chỉ một ngành hải quan là làm được mà nhất thiết phải tháo gỡ ngay những bất cập liên quan đến quy định kiểm tra chuyên ngành từ các bộ liên quan. Nhìn chung, các bộ, ngành vẫn duy trì chính sách quản lý theo cơ chế xin - cho. Thủ tục hành chính chuyên ngành chồng chéo, trùng lắp, không thống nhất giữa các bộ ngành và trong nội bộ ngành.

Mặc dù ngành hải quan đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử từ hơn 10 năm nay nhưng các bộ, ngành cải cách thủ tục hành chính rất chậm chạp và vẫn đang thực hiện thủ tục bằng hình thức thủ công truyền thống. Vì vậy, để rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, đòi hỏi không chỉ cải cách thủ tục hải quan mà còn phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính của các bộ, ngành và những cơ quan kiểm tra chuyên ngành khác có liên quan.

Tổng cục Hải quan đã phối hợp cùng DN gửi rất nhiều kiến nghị lên các bộ, ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường…

Theo đó, nêu rõ cần phải áp dụng biện pháp quản lý rủi ro với DN luồng xanh hoặc thực hiện quy định đồng chứng nhận với sản phẩm nhập khẩu từ những nước có quy chuẩn, tiêu chuẩn cao hơn nước ta... Thế nhưng, cho đến nay những kiến nghị của DN chưa được giải quyết thấu đáo.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục