Cần mô hình mới điều hành xuất khẩu gạo

Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tiền thân là Hiệp hội Xuất nhập khẩu lương thực Việt Nam. Từ khi hình thành đến nay, các hội viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã sử dụng công nghệ tiên tiến sản xuất được các loại gạo với chất lượng cao, kể cả gạo thơm, thực hiện hợp đồng với số lượng lớn, phương thức kinh doanh và giao hàng đa dạng đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Số lượng gạo xuất khẩu của các hội viên hàng năm chiếm trên 90% tổng số lượng gạo xuất khẩu chung của cả nước. Sau gần 30 năm xuất khẩu, gạo Việt Nam hiện nay đã thâm nhập được hầu hết các nước trên thế giới và tạo được sự tín nhiệm đối với khách hàng, từng giữ vị trí nhất nhì trong bảng xếp hạng các quốc gia xuất khẩu gạo.

Tuy nhiên, thời gian qua, có rất nhiều dư luận về “quyền lực” của VFA đối với hoạt động xuất khẩu gạo. Trong điều lệ được phê duyệt, VFA có những nhiệm vụ, quyền hạn không phù hợp với quy định tại điều 9, Luật Thương mại như: Hướng dẫn giá các loại gạo xuất khẩu; tổ chức thực hiện việc đăng ký, thống kê xuất nhập khẩu; hướng dẫn và điều hành xuất nhập khẩu mặt hàng gạo.

Chủ tịch VFA đã ra quyết định ban hành quy chế đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo. Đây là văn bản thể hiện hoạt động quản lý, điều hành hoạt động xuất khẩu gạo, đối tượng điều chỉnh không chỉ là thành viên hiệp hội mà bao gồm tất cả các thương nhân tham gia xuất khẩu gạo và cơ quan nhà nước. Cũng do hiệp hội ban hành là Quy chế thực hiện Hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung (hợp đồng Chính phủ). Quy chế này giao cho Thường trực Hội đồng quản trị được quyền phân bổ số lượng gạo xuất khẩu theo Hợp đồng Chính phủ cho các hội viên của hiệp hội. Trong khi đó Hội đồng Quản trị lại có văn bản quy định về điều kiện kết nạp hội viên mà theo đó đã làm hạn chế các doanh nghiệp tham gia hiệp hội, tham gia xuất khẩu gạo theo hợp đồng tập trung.

Với đất nước ta, lúa gạo là ngành kinh tế quan trọng, Việt Nam vẫn có lợi thế khi tham gia thị trường thế giới. “Tuy nhiên, tôi thấy tư duy cũ vẫn chưa thay đổi được, chúng ta mới nhìn thấy lúa gạo là đảm bảo an ninh lương thực nên cứ thế tăng sản lượng mà không tính đến lợi ích của người dân, giá cả, thị trường như thế nào. Trong khi đó Thái Lan đã vượt chúng ta về chất lượng và giá trị rất nhiều”, một chuyên gia kinh tế cho biết.

Bên cạnh đó, sản xuất vẫn còn tổ chức theo kiểu cũ, phân tán, nhỏ lẻ. Trong khi đó, kinh tế đang bị cuốn theo kinh tế thị trường, nên khoảng cách giữa người nông dân với kinh doanh bị dãn ra. Vì vậy sự liên kết sẽ khó khăn, lợi ích cũng khó hài hòa, hệ quả là rất nhiều nông dân bỏ ruộng. Đặc biệt VFA về danh nghĩa gắn với thị trường nhưng lợi ích kinh tế của VFA rất lớn. VFA nắm trọn chính sách trong tay nên khi đề xuất đến chính sách VFA gắn với lợi ích của họ và cộng đồng doanh nghiệp mà không hướng nhiều tới nông dân.

Theo báo cáo của Oxfam, hiện nay xuất khẩu gạo vẫn tập trung vào một số doanh nghiệp lớn, chủ yếu là của doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp cổ phần chuyển đổi từ các doanh nghiệp nhà nước. Riêng hai tổng công ty Vinafood 1 và Vinafood 2 đã chiếm tới gần 50% lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Mặc dù từ đầu năm 2001, Việt Nam cho phép và khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia xuất khẩu nhưng hiện nay tỷ trọng xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp này vẫn còn hạn chế.

Rõ ràng không có một tổ chức nào đại diện cho người trồng lúa để tham gia vào điều hành xuất khẩu gạo. Mặc dù Hội Nông dân là tổ chức đại diện cho người nông dân ở Việt Nam, Hội nông dân lại không tham gia vào quá trình điều hành xuất khẩu gạo hay trong quá trình ban hành chính sách. Cụ thể trên thị trường xuất khẩu gạo vẫn còn thiếu vắng các liên kết ngang giữa các công ty (ví dụ như trong việc đàm phán giá lúa gạo xuất khẩu) và liên kết dọc với các công ty cung ứng đầu vào cho sản xuất. Xu hướng xây dựng vùng nguyên liệu hiện được thực hiện rất “gượng ép” do các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn cung sẵn có trên thị trường, sản phẩm xuất khẩu không có sự khác biệt lớn, rủi ro về lợi nhuận cao do thị trường đầu ra không ổn định. Trong những năm vừa qua, một loạt các chính sách được ban hành tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới hành vi của các chủ thể trên thị trường lúa gạo. Tuy nhiên, các chính sách được thiết kế cũng bộc lộ nhiều bất cập và không đạt được kết quả như kỳ vọng.

Theo các chuyên gia, vấn đề cấp thiết hiện nay là phải cải tổ ngay bộ máy của VFA. Trong thành phần lãnh đạo VFA phải có đại diện của Hội Nông dân để bảo vệ quyền lợi cho nông dân, làm đối trọng với các doanh nghiệp bởi bộ máy, cách thức điều hành hiện nay của VFA chỉ phù hợp với giai đoạn sơ khởi của kinh tế thị trường.

Giờ đây, nền kinh tế thị trường ở nước ta đã phát triển, nên cấp thiết phải tái cấu trúc lại bộ máy của VFA. Cần phải hạn chế những tiêu cực trong cách điều hành, tạo ra một thế trận chung cho cả nông dân sản xuất lúa và các doanh nghiệp tiêu thụ gạo. Có như vậy, hạt hạo Việt Nam mới vững chân trên thị trường thế giới.

HÀM LUÔNG

Tin cùng chuyên mục