(SGGPO).- Sáng nay, 23-4, tại Hà Nội, Bộ TT-TT đã tổ chức lễ trao giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2010 (VICTA 2010) cho các đơn vị, doanh nghiệp có thành tích và đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của ngành.
Tham dự và trực tiếp trao giải có đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Doan; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên.
Phát biểu tại lễ trao giải, đồng chí Đinh Thế Huynh cho rằng, CNTT-TT đang ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đó không chỉ là ngành công nghiệp dịch vụ phát triển với tốc độ cao nhất trong những năm qua, có đóng góp lớn vào nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, CNTT-TT còn đóng vai trò quan trọng như một động lực phát triển, là hạ tầng thiết yếu cho phát triển và hội nhập quốc tế. Hiện nay, không một ngành nào, một lĩnh vực nào có thể phát triển mà không dựa vào CNTT-TT. “Những kết quả đó khẳng định sự đóng góp to lớn của các doanh nghiệp CNTT-TT cũng như các cá nhân, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT đối với thành tựu chung của đất nước. Những nỗ lực đó xứng đáng được tôn vinh và Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam năm 2010 là một sự ghi nhận của Nhà nước và xã hội đối với những kết quả mà các doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT đã đạt được”- đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh.
VICTA 2010 là giải thưởng quốc gia đầu tiên do cơ quan quản lý nhà nước đứng ra tổ chức nhằm tôn vinh những doanh nghiệp xuất sắc nhất hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT và những cơ quan, tổ chức ứng dụng CNTT hiệu quả trong quản lý. Năm nay là năm thứ 3 Bộ TT-TT tổ chức giải thưởng này.
Giải thưởng năm nay xét trao giải trong 6 lĩnh vực: viễn thông, công nghiệp CNTT, ứng dụng CNTT, đào tạo CNTT, an toàn thông tin và đóng góp cho cộng đồng. Trong 31 giải thưởng VICTA 2010 được trao cho các đơn vị và doanh nghiệp, trong đó có một số doanh nghiệp được 2-3, thậm chí tới 4 giải thưởng như FPT, VNPT và Viettel.
Lĩnh vực được chú ý nhiều nhất là viễn thông cố định, di động, Internet đã có 6 giải thưởng được trao, gồm: Doanh nghiệp viễn thông cố định phát triển hạ tầng tốt nhất thuộc về VNPT; Doanh nghiệp viễn thông di động hoạt động hiệu quả nhất: Viettel; Doanh nghiệp viễn thông di động có chất lượng dịch vụ tốt nhất: MobiFone; Doanh nghiệp viễn thông di động có gói cước xuất sắc nhất: gói cước Maxi-Talk của mạng Vietnamobile; Doanh nghiệp Internet hoạt động hiệu quả nhất: VDC; Doanh nghiệp Internet cung cấp dịch vụ băng rộng tốt nhất: VDC.
Trong lĩnh vực công nghiệp CNTT có 9 giải thưởng được giao. Lĩnh vực đào tạo có 3 giải thưởng. Lĩnh vực ứng dụng CNTT có 11 giải thưởng. Năm nay, lĩnh vực An toàn thông tin lần đầu tiên nằm trong danh mục trao giải thưởng và đã dành 2 giải thưởng: Doanh nghiệp cung cấp giải pháp, dịch vụ An toàn thông tin xuất sắc nhất cho Công ty CP phát triển phần mềm và hỗ trợ công nghệ (Misoft); và Tổ chức, doanh nghiệp lớn ứng dụng hệ thống an toàn thông tin hiệu quả nhất cho Công ty TNHH Bảo hiểm Liberty.
Năm nay, có 2 doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài được trao giải VICTA 2010 vì có đóng góp tiêu biểu cho sự phát triển của CNTT-TT Việt Nam là Công ty TNHH Cisco Systems Việt Nam và Công ty Intel Products Việt Nam. Hai doanh nghiệp CNTT-TT Việt Nam nhận giải vì sự phát triển cộng đồng gồm Tập đoàn Viettel và Tập đoàn VNPT.
* Cùng ngày, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ TT-TT và Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) tổ chức hội thảo “CNTT và tương lai phát triển đất nước”. Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT cho biết, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị, ngành CNTT-TT Việt Nam đã trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật chủ lực của đất nước, đóng góp khoảng 6,7% GDP của cả nước.
Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng, 3 mục tiêu cơ bản đề ra đến năm 2010 trong Chỉ thị 58 cơ bản đã đạt được: 1. Về ứng dụng CNTT, đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng của sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng; 2. Mạng thông tin quốc gia đã phủ trên cả nước với thông lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao, giá rẻ; tỷ lệ người sử dụng Internet đạt mức trung bình thế giới; 3. Công nghiệp CNTT đã trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển hàng năm cao nhất so với các khu vực khác.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cũng khẳng định, sự phát triển công nghiệp CNTT vẫn còn mang tính tự phát, công nghiệp phần cứng còn lúng túng, số lượng các sản phẩm có thương hiệu và tầm cỡ quốc gia còn ít, vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ nghiên cứu tạo ra sản phẩm chưa nhiều; việc ban hành các chính sách và gắn liền quy hoạch, kế hoạch phát triển với đánh giá và điều chỉnh các chính sách đã ban hành còn chậm...
Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT cũng như hầu hết các đại biểu dự hội thảo cũng đã nhất trí chủ trương Chính phủ cần đề xuất Ban Bí thư, Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết chuyên đề về CNTT-TT để định hướng Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT.
Tin và ảnh: Trần Bình