Cân nhắc giữa môi trường và thủy điện

Từ nhiều năm nay, câu chuyện xây dựng công trình thủy điện vẫn để lại nhiều tranh cãi. Nào là thủy điện đang góp tay tàn phá rừng, đe dọa môi trường. 
Nào nguy cơ mất an toàn hồ đập từ các công trình thủy điện vừa và nhỏ, gia tăng hạn hán hoặc ngập lụt khi xả lũ về hạ du. Tuy nhiên, cuộc hội thảo ngày 5-10 do Bộ Công thương, Bộ KH-CN và Viện Quản lý kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức tại Hà Nội về quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ - phát triển năng lượng tái tạo an toàn, hiệu quả, bền vững lại đặt ra nhiều vấn đề nóng bỏng. Đó là cán cân giữa môi trường sinh thái, sự an toàn và bài toán năng lượng cho sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội… 
Theo Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ do Bộ Công thương và UBND các tỉnh, cả nước có 824 dự án thủy điện với tổng công suất 24.778MW. Đến nay, 343 dự án (tương đương 17.987MW) đi vào vận hành, 165 dự án (3.348MW) đang thi công xây dựng; 260 dự án khác (3.050MW) đang xin nghiên cứu đầu tư xây dựng; còn lại 56 dự án (393MW) chưa có chủ trương đầu tư. Riêng đối với thủy điện nhỏ từ 1 - 30MW, cả nước có 714 dự án (tương đương 7.238MW) nằm trong quy hoạch, trong đó đã có 270 dự án vận hành khai thác, 141 dự án đang thi công, 250 dự án khác đang nghiên cứu để đầu tư xây dựng… Qua đó cho thấy, số lượng dự án thủy điện loại vừa và nhỏ đã xây dựng hoặc xin xây dựng là quá lớn. Thậm chí mới đây như tại tỉnh Quảng Nam, dư luận phải lên tiếng về tình trạng thủy điện đã quá thừa mứa nhưng doanh nghiệp vẫn cố xin đầu tư xây dựng. Dù “vô địch” cả nước với 42 công trình thủy điện nhưng địa phương này vẫn đề xuất bổ sung 18 thủy điện vào quy hoạch. 
Bao nhiêu năm nay, các nhà khoa học vẫn từng cảnh báo việc chia cắt một dòng sông để xây đập làm thủy điện có thể làm thay đổi cả hệ sinh thái trên và quanh lưu vực của nó. Nhưng đến thời điểm hiện tại, dường như dòng chảy nào có độ dốc lớn từ miền Bắc chí miền Nam cũng đã và đang bị doanh nghiệp nhảy vào hoặc nhăm nhe đua nhau xẻ thịt làm thủy điện vừa và nhỏ, phục vụ những mục đích kinh tế riêng, mà thực tế đến nay chúng ta vẫn chưa tính toán hết những nguy cơ về môi trường cũng như rủi ro từ thủy điện nhỏ. Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đề cập việc khi một dự án thủy điện nhỏ ra đời cần tiêu tốn diện tích đất rừng không nhỏ, tính trung bình mỗi 1MW công suất lắp máy “ăn” mất khoảng 7ha đất (thực tế có thể sẽ lớn hơn nhiều). Tệ hơn, có những dự án lợi dụng việc làm thủy điện để phá rừng, khai thác gỗ rừng trái phép. Tai hại nhất là vào mùa hạn, thủy điện không muốn “nhả” nước về xuôi. Đến mùa mưa lại không tham gia cắt lũ, khiến lũ chồng lên lũ, người dân nhiều nơi khổ sở. 
Thực hiện Nghị quyết số 62/2013/NQ-QH13 của Quốc hội khóa XIII và Chương trình hành động của Chính phủ, vừa qua Bộ Công thương đã phối hợp với UBND các tỉnh rà soát, loại bỏ 468 dự án và vị trí tiềm năng thủy điện (tương đương 2.044MW, chủ yếu là thủy điện nhỏ) do không đảm bảo hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực lớn đến môi trường - xã hội. Tuy nhiên trên thực tế vẫn đang xảy ra tình trạng “tận thu” dòng chảy, thủy điện chồng lên thủy điện, như tại huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định báo cáo cho biết có tới 11 dự án cùng đè lên thượng nguồn sông Kôn. Mỗi lần thủy điện ra đời là cả trăm hécta rừng nguyên sinh lại bị xóa sổ. Những tưởng có nhiều thủy điện thì dân sẽ giàu nhưng cơ hội đổi đời chưa thấy đâu, bài học nhãn tiền là những cơn lũ thần tốc ập đến hung hãn hơn nhiều so với trước, bà con trở tay không kịp, 12 người chết cùng hơn 1.000 tỷ đồng bị cuốn trôi trong trận lũ tháng 11-2013. 
Tuy nhiên, chúng ta lại đang đứng trước sức ép phát triển kinh tế - xã hội, sức ép tăng trưởng. Theo Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 điều chỉnh, để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 thì đến năm 2020, Việt Nam cần 265-278 tỷ kWh điện (cả sản xuất và nhập khẩu) và cần khoảng 572-632 tỷ kWh vào năm 2030. Vì vậy, theo quy hoạch thì tổng công suất các nguồn thủy điện đến năm 2020 cần đạt khoảng 21.600MW, đạt khoảng 24.600MW vào năm 2025 và 27.800MW vào năm 2030. Trong đó trông cậy vào nguồn thủy điện tương ứng với các mốc là 29,5% vào năm 2020, 20,5% năm 2025 và 15,5% năm 2030. Điều đó cho thấy, phát triển thủy điện là nhu cầu cần thiết để đảm bảo nguồn năng lượng cho đất nước, nhất là trong bối cảnh nguồn khoáng sản hóa thạch đang dần cạn kiệt, chủ trương về điện hạt nhân đã dừng… 
Như vậy, vấn đề đặt ra bức thiết hiện nay là phải cân đối hài hòa giữa mục tiêu năng lượng cho tương lai và môi trường bền vững, sự an toàn của người dân, không thể làm thủy điện bằng mọi giá. Nhưng để có nguồn năng lượng ổn định, cần xem lại quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, chỉ cho phép những thủy điện đạt hiệu quả về kinh tế - xã hội, không ảnh hưởng tới môi trường, đảm bảo an toàn. Bộ Công thương và các bộ, ngành, địa phương liên quan cần thực hiện đúng yêu cầu nêu trong Nghị quyết 62 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, đặc biệt là với các dự án thủy điện tại Tây Nguyên, Tây Bắc, Trung Trung bộ. Kiên quyết loại bỏ các dự án ảnh hưởng đến đất rừng; xử lý các trường hợp vi phạm về quản lý đầu tư, không đảm bảo chất lượng công trình xây dựng, thực hiện không đúng cam kết bảo đảm môi trường.

Tin cùng chuyên mục