Cân nhắc kỹ việc mở rộng đối tượng cảnh vệ

Cân nhắc kỹ việc mở rộng đối tượng cảnh vệ

(SGGPO).- Sáng 15-8, phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIV đã khai mạc tại Nhà Quốc hội. Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH nghe và cho ý kiến về dự án Luật Cảnh vệ.

Theo Tờ trình của Chính phủ về vấn đề này, dự thảo Luật Cảnh vệ gồm 5 chương, 29 điều. Trong đó, Chương II của dự thảo quy định về đối tượng cảnh vệ, biện pháp và chế độ cảnh vệ gồm 6 điều (từ Điều 8 đến Điều 13), theo đó, ngoài các chức danh hiện hành, tới đây sẽ bổ sung đối tượng cảnh vệ là bộ trưởng Bộ Ngoại giao, chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu phát biểu về dự án Luật Cảnh vệ

Chính phủ cho rằng, thay đổi này nhằm phù hợp với tình hình hiện nay về công tác cảnh vệ vì bộ trưởng Bộ Ngoại giao, chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là những người đứng đầu các cơ quan xét xử, kiểm sát hoạt động tố tụng và ngoại giao, với đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy hiểm và rủi ro cao. Trong xu hướng đẩy mạnh cải cách tư pháp, tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm và mở rộng hợp tác quốc tế thì tính chất công việc của họ ngày càng phức tạp, nảy sinh nhiều tình huống bất trắc, khó lường đe dọa tính mạng, sức khỏe của những người này. Vì vậy, cần phải áp dụng chế độ bảo vệ đặc biệt nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho họ. 

Về biện pháp cảnh vệ, pháp luật hiện hành quy định đối với các đồng chí là nguyên tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên chủ tịch nước, nguyên thủ tướng Chính phủ, nguyên chủ tịch Quốc hội được áp dụng biện pháp bảo vệ tiếp cận, bố trí lực lượng Cảnh vệ vũ trang tuần tra canh gác tại nơi ở và các biện pháp khác trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi không còn đương chức, nơi ở của các đồng chí nêu trên thường không cố định, có đồng chí ở cùng con cháu hoặc về quê sinh sống nên rất khó áp dụng biện pháp vũ trang tuần tra canh gác tại nơi ở. Mặt khác, qua tham khảo pháp luật cảnh vệ của một số nước trên thế giới như Nga, Hàn Quốc thì cũng không áp dụng biện pháp vũ trang tuần tra canh gác tại nơi ở trong trường hợp nêu trên. Vì vậy, dự thảo Luật chỉ quy định các đồng chí này được áp dụng biện pháp bảo vệ tiếp cận và các biện pháp khác trong trường hợp cần thiết mà không quy định việc áp dụng biện pháp vũ trang tuần tra canh gác tại nơi ở đối với những đồng chí này.

Tuy nhiên, qua thẩm tra, nhiều ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị giữ nguyên đối tượng cảnh vệ như quy định tại Pháp lệnh hiện hành vì cho rằng, việc triển khai thực hiện công tác cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua là phù hợp, đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.

Đa số ý kiến Thường trực UBQPAN cho rằng, khi bổ sung các đối tượng: “bộ trưởng Bộ Ngoại giao, chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao” thì một số chức danh bộ trưởng khác như bộ trưởng Bộ Quốc phòng, bộ trưởng Bộ Công an cũng có vị trí, tầm ảnh hưởng quan trọng phải được bổ sung, như vậy sẽ tăng biên chế, cơ cấu, tổ chức của lực lượng cảnh vệ. Do dó, đề nghị giữ nguyên đối tượng cảnh vệ như quy định tại Pháp lệnh hiện hành.

Tán thành quan điểm của cơ quan thẩm tra, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng nên cân nhắc kỹ vấn đề này. “Mở rộng lực lượng cảnh vệ là vấn đề mới, cần đánh giá tác động và lập luận kỹ hơn. Nếu mở rộng thì biên chế, tổ chức, kinh phí, khả năng tài chính, ngân sách có bảo đảm được không, trong khi Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị nêu rõ chủ trương không tăng biên chế, trừ trường hợp đặc biệt. Về chế độ ưu đãi đặc thù, Chính phủ muốn bổ sung thêm một số chế độ, chính sách, nhưng cũng cần cân nhắc hợp lý”, ông nói.

* Chiều cùng ngày, UBTVQH sẽ cho ý kiến về dự án Luật Công an xã.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục