Hiện nay đã bước vào những tháng cuối năm, thời điểm của các lễ hội lớn nhất trong năm, đồng nghĩa áp lực giao thông đi lại cũng tăng mạnh theo nhu cầu của người dân TPHCM. Vậy làm thế nào để đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TP trong những tháng cuối năm? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban chuyên trách, Ban an toàn giao thông xoay quanh vấn đề này.
Đường Hồng Hà, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thông xe gần đây giúp kết nối toàn tuyến đường Phạm Văn Đồng, tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Ảnh: CAO THĂNG
° PHÓNG VIÊN: Ông có thể cho biết tình hình tổng thể về ATGT trên địa bàn thành phố từ đầu năm 2016 đến nay?
° Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: Một cách tổng quát, có thể khẳng định từ đầu năm 2016 đến nay, ngành giao thông vận tải (GTVT) thành phố đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề an toàn giao thông. Có thể nhắc đến công tác tổ chức giao thông đã được ngành GTVT thành phố thực hiện một cách khoa học, hợp lý, từ đó giúp khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu. Sở GTVT đã điều chỉnh phân luồng giao thông nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông tại 17 tuyến đường như cấm ô tô tải lưu thông theo thời gian trên 9 tuyến đường, tổ chức lưu thông một chiều ô tô trên 6 tuyến đường Nguyễn Xí, hẻm 153 Đinh Bộ Lĩnh, hương lộ 2, Hậu Giang - Thăng Long, Phạm Văn Hai, Thủ Khoa Huân. Cho phép xe 2 bánh lưu thông vào phần đường ô tô trên đường Phạm Văn Đồng trong giờ cao điểm và điều chỉnh thời gian cấm ô tô trên một số tuyến đường như Nguyễn Bỉnh Khiên (quận 1); Nguyễn Văn Đậu, Vạn Kiếp, Vũ Huy Tấn (quận Bình Thạnh) và Hoàng Minh Giám (quận Phú Nhuận). Điều chỉnh thời gian cấm rẽ trái đối với các loại xe tại một số khu vực như Lê Quang Định - Huỳnh Đình Hai, Phan Văn Trị - Trần Quý Cáp…
Ngành GTVT thành phố cũng chú trọng đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông. Có thể nhắc đến việc hoàn thành công trình cầu Phú Hữu trên đường Vành đai phía Đông, cầu Rạch Sộp 1 - Khu công nghiệp Hiệp Phước (giai đoạn 2), thông xe toàn tuyến đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài… Cũng có thể nhắc đến một loạt công trình được khởi công từ đầu năm đến nay, như khởi công xây dựng các hạng mục còn lại của công trình xây dựng hoàn thiện nút giao thông tại vị trí cổng chính Đại học Quốc gia TPHCM; cầu Kỳ Hà 3 thuộc dự án nút giao thông Mỹ Thủy; cầu vượt thép Ngã sáu Gò Vấp; cải tạo nâng cấp quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, thành phố cũng có một số điểm phải phiền lòng. Điểm phiền lòng lớn nhất có lẽ nằm ở chỗ tình hình tai nạn giao thông vẫn còn tăng trên cả 3 mặt: số vụ việc, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2016, toàn thành phố xảy ra 2.919 vụ tai nạn giao thông, tăng 238 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Các vụ tai nạn giao thông này làm 607 người chết, tăng 81 người chết so với cùng kỳ năm 2015 và làm 2.377 người bị thương, tăng 34 người.
° Theo ông, nguyên nhân nào khiến cho tình hình tai nạn giao thông tăng trong thời gian qua?
° Có nhiều nguyên nhân đưa đến tình hình này. Một trong những nguyên nhân đó là phương tiện giao thông tăng nhanh trong khi chưa có giải pháp kiểm soát hiệu quả. Số liệu thống kê cho thấy tính đến ngày 15-9-2016, tổng số phương tiện đăng ký tại thành phố là hơn 7,7 triệu xe các loại, trong đó hơn 7,1 triệu mô tô và hơn 607.000 ô tô. Số phương tiện này tăng 6,47% so với cùng kỳ năm 2015. Số lượng phương tiện tăng nhanh nhưng ý thức chấp hành pháp luật, ở đây là Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông chưa cao, nhóm này chủ yếu rơi vào người điều khiển xe 2 bánh, xe container và người bộ hành. Bên cạnh đó là tình trạng lấn chiếm lòng lề đường gây mất trật tự an toàn giao thông, không đảm bảo an toàn cho người đi bộ, đặc biệt trong khu vực nội thành. Nói cách khác, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự lòng lề đường tại một số địa phương chưa được duy trì thường xuyên vì thế tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh, buôn bán, đậu xe không đúng quy định vẫn còn diễn ra nhiều lúc, nhiều nơi. Trong thời gian qua, công tác tuần tra xử phạt của lực lượng chức năng cũng chưa được thường xuyên.
° Những ngày lễ hội cuối năm như Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán cũng không còn xa. Theo ông, thành phố có thể làm gì để đảm bảo tốt nhất tình hình trật tự ATGT trên địa bàn trong những tháng cuối năm?
° Đây là một vấn đề phức tạp và đòi hỏi sự tham gia hưởng ứng từ nhiều phía chứ không đơn thuần chỉ Ban ATGT hay Sở GTVT thành phố là đủ. Tuy nhiên, những điểm nhấn đáng chú ý đó là ngành chức năng cần có phương án tổ chức, phân luồng giao thông hợp lý để khai thác tối ưu hạ tầng hiện có. Cơ quan chức năng, cụ thể là Sở GTVT cũng đang cân nhắc giải pháp thí điểm hạn chế một số loại phương tiện lưu thông khu vực trung tâm thành phố trong những thời điểm nhất định, chẳng hạn như cấm lưu thông xe taxi trên đường Lê Thánh Tôn đoạn trước khu vực UBND TP và đường Lý Tự Trọng, đoạn từ đường Chu Mạnh Trinh đến đường Tôn Đức Thắng. Chúng tôi được biết Sở GTVT cũng đang xây dựng phương án hạn chế xe tải lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố và các hành lang quan trọng.
Ngoài ra, còn một loạt biện pháp khác có thể góp phần đảm bảo ATGT trên địa bàn như cần đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông mà tiêu biểu có thể nhắc đến công trình cầu rạch Lăng trên đường Phan Chu Trinh hiện hữu; nâng cấp mở rộng đường Trần Não; cầu vượt ngã sáu Gò Vấp; mở rộng nâng cấp đường Phan Văn Trị đoạn từ cầu Hang Trong đến đường Phạm Văn Đồng; xây dựng cầu Phước Lộc; xây dựng hàng loạt cầu vượt bộ hành ở những vị trí trọng yếu; thực hiện bổ sung hệ thống bảng quang báo, camera giám sát tại một số khu vực cửa ngõ thành phố hoặc các khu vực có nguy cơ cao về ùn tắc giao thông, qua đó kịp thời thông tin cho người tham gia giao thông chủ động không đi vào vị trí đang quá tải đồng thời để cơ quan chức năng có cơ sở phát hiện phối hợp xử lý giữa các lực lượng cũng như tiến tới phạt nguội các hành vi vi phạm như lấn làn, chạy quá tốc độ cho phép, xe tải lưu thông vào đường cấm giờ cấm…
THIỆN NHÂN (thực hiện)