Trong bài viết “Rau sạch vẫn gặp khó” đăng trên chuyên trang Xúc tiến công thương, Báo SGGP ngày 24-2 vừa qua, chúng tôi đã đề cập đến nhiều bất cập trong việc hỗ trợ phát triển rau sạch. Đơn cử như nguồn cung chỉ đáp ứng khoảng 1/1.000 nhu cầu tiêu thụ nhưng người nông dân vẫn luôn gặp khó trong việc bán sản phẩm ra thị trường. Nguyên nhân là do sự liên hệ giữa nhà sản xuất và nhà phân phối còn hạn chế; công tác thu hoạch, đóng gói, bảo quản, nhãn hiệu và vận chuyển đến việc tăng cường sự nhận biết sản phẩm rau an toàn và sử dụng trong người tiêu dùng vẫn còn yếu kém. Điều này đã và đang khiến những người sản xuất rau an toàn gặp khó khăn và có nguy cơ bỏ ruộng.
Đầu ra gặp khó
Ghi nhận của chúng tôi tại một số HTX sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố cho thấy, hiện mô hình sản xuất rau an toàn đang gặp rất nhiều khó khăn, từ giá cả, thị trường tiêu thụ và tâm lý người tiêu dùng. Theo các HTX, sở dĩ giá rau cao là do các khoản chi phí ngoài sản xuất (vận chuyển, bao bì, nhãn mác, phân phối...) mà rau thường không có, hoặc chi phí rất thấp.
Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Thỏ Việt ( Củ Chi) bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc cho biết, việc trồng rau VietGap phải đáp ứng nhiều yêu cầu kỹ thuật, nên chi phí đầu tư cho sản xuất rất cao. Không những thế, rau sạch trồng ở TPHCM gần như không có đầu ra, giá thành sản phẩm cao nên bán ở chợ không được, còn nếu bán bằng giá rau thường thì HTX bị lỗ nặng. Không chỉ vậy, nếu muốn làm được việc này cần phải có vốn lớn, mà điều này thì chúng tôi đang gặp nhiều khó khăn. Do vậy, để nông dân an tâm với việc trồng rau sạch VietGap, điều cần thiết là lo cho được đầu ra và giá cả hợp lý để nông dân tiêu thụ sản phẩm có lời thì sản xuất mới tăng.
Rau không an toàn vẫn tràn ngập các chợ, người tiêu dùng rất cần rau sạch, thế nhưng các mô hình trồng rau sạch ở TPHCM vẫn gặp nhiều khó khăn, không tạo được thương hiệu. Tại sao lại có tình trạng này, ông Nguyễn Quốc Toản, Chủ nhiệm HXT Rau an toàn Tân Phú Trung (Củ Chi) nhìn nhận: Thực tế, giá thành cao là nguyên nhân chính khiến người tiêu dùng xa lánh rau sạch. Rau tại nơi sản xuất rẻ bèo nhưng chi phí trung gian đẩy giá lên quá cao, có khi hơn 100% giá gốc. Để không còn những tình cảnh này, các cơ quan ban ngành cần hỗ trợ các HTX sản xuất rau VietGAP về chính sách vay vốn ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thiết bị kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ về truyền thông, hỗ trợ về mặt bằng tại các chợ…
Tăng cường sự hỗ trợ
Bà Bùi Thị Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, Saigon Co.op cam kết tiêu thụ hàng nông sản của các HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố cũng như có kế hoạch đầu tư ứng vốn cho sản xuất của các HTX rau sạch thành phố có thêm điều kiện vào hệ thống siêu thị của Co-op Mart và Co-op Food. Theo thống kê, nhu cầu tiêu thụ rau xanh của người dân thành phố vào khoảng 2.800 tấn/ngày. Trong khi đó khả năng sản xuất tại thành phố chỉ đáp ứng mới được khoảng 7% nhu cầu. Nên việc hỗ trợ tạo điều kiện để mở rộng diện tích sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap tại thành phố là việc mà đơn vị quan tâm. Cụ thể, sẽ hỗ trợ cho các đơn vị HTX Nông nghiệp Ngã 3 Giồng, HTX NN Phước An, HTX Rau sạch Thỏ Việt và Liên Tổ sản xuất rau an toàn Tân Phú Trung thực hiện cam kết trên.
Bên cạnh đó, Saigon co.op cũng ký kết với Dự án Nâng cao kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (FAPQDC) do Canada tài trợ để phối hợp đầu tư và tư vấn cho các HTX nông nghiệp quy trình kiểm soát, đóng gói và lưu trữ hàng hóa thực phẩm tươi sống theo tiêu chuẩn VietGAP với tiêu chí an toàn cho người tiêu dùng, an toàn cho người sản xuất, bảo vệ môi trường, truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm. Theo đó, Saigon Co.op sẽ tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất tham gia mô hình thí điểm áp dụng thực hành sản xuất tốt (VietGAP, GMP) của dự án giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống siêu thị Co.op Mart và cửa hàng Co.op Food. Hiện nay dự án đã triển khai thực hiện 13 mô hình thí điểm tại các tỉnh được lựa chọn với 4 chuỗi ngành hàng: rau, trái cây, thịt lợn, thịt gà. Một số mô hình thí điểm như HTX Sản xuất Rau an toàn Phước An TPHCM, trang trại rau Phong Thúy và HTX Anh Đào (tại Lâm Đồng), HTX Xoài cát Hòa Lộc (tại Tiền Giang) Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Saigon Co.op và Dự án FAPQDC, đây sẽ là cơ hội để số lượng các sản phẩm an toàn của các mô hình thí điểm đến được tận tay người tiêu dùng tăng lên. Bà Bùi Thị Hạnh Thu cho biết thêm.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM cũng cho biết, thành phố có các quỹ hỗ trợ nông dân, quỹ hỗ trợ xã viên HTX nhưng vốn ít nên chỉ cho người dân, xã viên vay với số tiền nhỏ. Nếu HTX muốn mở rộng kinh doanh, đầu tư phát triển HTX thì phải có tài sản thế chấp vay ngân hàng, thành phố sẽ hỗ trợ lãi suất.
HÀ VĂN