Hôm qua (14-6), “Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu”, với thông điệp “Dòng máu mới - Cho bạn, cho tôi!” nhằm thể hiện ý nghĩa, lợi ích nhân văn sâu sắc của việc hiến máu tình nguyện. Hưởng ứng ngày lễ trên, trong suốt thời gian qua, Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện và các địa phương như TPHCM, Hà Nội… đã tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh người hiến máu cũng như đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt động vận động hiến máu tình nguyện.
Dịp này, lễ tôn vinh 102 người hiến máu tiêu biểu của Việt Nam đã được tổ chức trọng thể ở Hà Nội, là cơ hội để những tấm lòng nhân ái giao lưu và chia sẻ những tâm tư tình cảm với cộng đồng. Ông Trần Ngọc Tăng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, bày tỏ: Những người hiến máu thực sự là những anh hùng, người đem lại dòng máu mới hồi sinh cho người bệnh. Hành động của họ cần được biểu dương và tôn vinh mạnh mẽ hơn nữa.
Càng ý nghĩa hơn, theo PGS-TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương, thông điệp của “Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu” năm nay còn nhằm hướng tới giới trẻ vì trên phạm vi toàn thế giới giới trẻ có xu hướng thờ ơ với các hoạt động vì cộng đồng. Tuy nhiên điều này lại hoàn toàn trái ngược với thực tế phong trào hiến máu ở Việt Nam, khi mà phần lớn những “người hùng” tham gia hiến máu lại là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên của nhiều trường học trong cả nước. Thống kê cho thấy, trong số hơn 632.000 đơn vị máu thu được trong năm vừa qua thì chiếm tới 70% của những người hiến máu tình nguyện trẻ tuổi.
Thực tế trên, một lần nữa khẳng định, giới trẻ Việt Nam đang là lực lượng tiên phong đi đầu trong phong trào hiến máu tình nguyện, nhưng cũng đặt ra vấn đề khiến chúng ta phải suy nghĩ. Hiến máu tình nguyện là một hoạt động cộng đồng có ý nghĩa sâu sắc nhưng hiện nay mới chủ yếu có các bạn thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia, trong khi xã hội còn nhiều các đối tượng khác cũng hoàn toàn hiến máu được. Do đó, dù lượng máu thu được từ người hiến máu tình nguyện tăng đều hàng năm nhưng vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu cấp cứu, điều trị của người bệnh. Tình trạng thiếu máu tại nhiều cơ sở y tế, bệnh viện vẫn thường xuyên xảy ra, nhất là vào các dịp lễ tết và nghỉ hè.
Trước thực trạng này, thiết nghĩ ngay từ bây giờ, Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, lãnh đạo các cơ quan chức năng cũng như chính quyền các cấp cần đi đầu trong phòng trào hiến máu, góp phần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, kêu gọi, vận động những người khỏe mạnh, các tổ chức xã hội cùng tham gia hiến máu và vận động mọi người trở thành người hiến máu tình nguyện nhắc lại thường xuyên. Điều này cũng là sự thể hiện một nét đẹp văn hóa của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội.
Khánh Nguyễn