Trong những năm gần đây, internet băng thông rộng là mục tiêu đầu tư tại Việt Nam với số lượng người sử dụng không ngừng gia tăng. Năm 2009, số lượng người sử dụng intrenet băng thông rộng ước tính khoảng 3,4 triệu người và đến năm 2013 dự đoán sẽ tăng lên 16,8 triệu người. Bên cạnh đó người sử dụng internet, điện thoại cố định cũng tăng cao trong thập niên qua. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, cần phải có chiến lược phát triển công nghệ cáp quang về tốc độ truyền tải hiện nay.
Sẽ “khai tử” cáp đồng
Hiện nay hệ thống hạ tầng viễn thông chính thức được xây dựng chủ yếu là cáp đồng, tuy nhiên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này như VNPT, Viettel, FPT đang cung cấp “cáp quang đến tận nhà” cho người dùng. Thế nhưng, hệ thống cáp đồng hiện nay có tốc tộ truyền tải chậm.
Ông Nguyễn Đình Thi, Chủ tịch HĐQT, Công ty Cổ phần Sợi quang Việt (VFO) dự báo: “Trong 10 năm tới, toàn bộ hệ thống cáp trước đây sẽ được thay thế bởi cáp quang thế hệ mới (2.0). Chính vì vậy, nhu cầu sợi quang cũng sẽ phát triển tương ứng. Công ty chúng tôi hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và trở thành một doanh nghiệp cung cấp sợi quang cho các ngành viễn thông, điện tử... tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. VFO sẽ đạt được điều này thông qua việc áp dụng sản xuất mới nhất và sự hỗ trợ của các chuyên gia trong nước và nước ngoài, đặc biệt là các chuyên gia Israel trong quá trình xây dựng nhà máy và chuyển giao công nghệ”.
Để theo kịp tốc độ phát triển hệ thống của thế giới, Việt Nam cũng theo xu hướng này bằng việc thay đổi hoàn toàn hệ thống cáp đồng. Tập đoàn VNPT hiện đang chi phối 77% thị trường điện thoại cố định và 64% hệ thống băng thông rộng. Hai công ty thông tin viễn thông Điện Lực (EVN Telecome) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) là những doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông cáp quang cung cấp cho thị trường Việt Nam.
Những doanh nghiệp này đang xây dựng hệ thống cáp quang thay cho hệ thống cáp quang truyền thống. Giữa năm 2008, EVN đã đầu tư 40.000km hệ thống cáp quang. Viettel trong thời gian qua cũng đã xây dựng hệ thống này với 160.000km cho 63 tỉnh thành trong cả nước. Các doanh nghiệp này sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống cáp quang để đoán đầu trong tương lai, đặc biệt là trong hai thập niên tới.
Một số báo cáo gần đây cho thấy, nhu cầu về cáp quang đã và đang tăng mạnh trong khi cáp đồng thì ngược lại. Năm 2006, tổng nhu cầu về cáp quang chỉ là 1,5 triệu km và cáp đồng là 5,6 triệu km, đến năm 2011 nhu cầu về cáp đồng chỉ còn 0,3 triệu km và cáp quang là 5,9 triệu km gấp gần 4 lần so với năm 2006.
Dự báo trong năm 2012 nhu cầu về cáp quang lên đến 6,7 triệu km trong khi cáp đồng tiếp tục được dự báo giảm.
Sợi quang kỹ thuật cao lên ngôi
Dự kiến trong năm 2013, nhà máy sản xuất sợi quang hiện đại nhất Đông Nam Á, tại Khu Công nghiệp Bàu Bàng, Bến Cát, tỉnh Bình Dương sẽ đi vào hoạt động và cung cấp cho thị trường 1.000.000km sợi quang/năm.
Nhà máy này có tổng vốn đầu tư 176 triệu USD, dự án bao gồm một nhà máy sợi quang hiện đại và một nhà máy khí ga siêu tinh khiết, sẽ được xây dựng trên diện tích 4ha. Dự án được đầu tư bởi Công ty VFO với sự chuyển giao công nghệ trọn gói từ Công ty UPC (Israel).
Ông Nguyễn Đình Thi, Chủ tịch HĐQT VFO cho biết: Đây là nhà máy đầu tiên ở Đông Nam Á áp dụng công nghệ sản xuất sợi quang kỹ thuật cao, thuộc thế hệ mới, sợi 2.0. Trong giai đoạn 1 nhà máy cung cấp cho thị trường 1.000.000km sợi quang/năm và giai đoạn 2 cung cấp 2.000.000 km sợi quang/ năm. Hiện nhu cầu về cáp quang cho các đường truyền viễn thông rất lớn.
Do đó, việc xây dựng nhà máy này với công suất 2 triệu km sợi quang/năm sẽ đáp ứng nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu. Nhà máy sẽ sản xuất sợi cáp quang bằng phương pháp lắng đọng hơi hóa học tiên tiến (MCVD) và lắng đọng hơi ngoài (OVD), để tạo ra những sợi cáp kích cỡ khoảng 125 µm. Sau đó những sợi quang được áp dụng vào công nghệ cáp quang với các loại sản phẩm chính gồm: cáp viễn thông đường dài đặt ngầm dưới biển, cáp FTTH và cáp đặc biệt phục vụ thiết yếu cho lĩnh vực an ninh, quốc phòng, VFO đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Với công nghệ của UPC, sợi quang thế hệ mới được sản xuất tại Nhà máy Sản xuất sợi quang của VFO sẽ có các tiêu chuẩn: năng suất sản xuất cao (95% so với 70% đối với sợi quang thế hệ cũ), đỉnh hấp thụ nước thấp nhất, sự suy giảm tín hiệu thấp nhất, máy khuếch đại giảm 30% đối với các ứng dụng cáp ngầm, PMD tốt nhất, lõi/bọc đồng tâm hoàn hảo, giảm thiểu tín hiệu bị méo, tốc độ lắng đọng rất cao, tốc độ kéo sợi cao nhất và tiêu thụ Heli thấp nhất. Công nghệ cáp quang là phương pháp tiên tiến truyền thông tin dữ liệu trên một cự ly dài (xuyên châu lục, đại dương) và cự ly ngắn (địa phương).
Sự ra đời của cáp quang (fiber optic) đã đáp ứng các yêu cầu truyền dẫn âm thanh, giọng nói, hình ảnh tốc độ cao được thực hiện khắp toàn cầu một cách dễ dàng, nhanh chóng. Hiện tại 80% sản lượng xuất khẩu của nhà máy sản xuất đã được các đối tác nước ngoài ký hợp đồng bao tiêu.
Nhu cầu về cáp quang sẽ tăng
Ông Nguyễn Đình Thi, Chủ tịch HĐQT VFO nhấn mạnh: “Ngành công nghiệp khắp nơi trên thế giới đang chứng kiến tốc độ phát triển chóng mặt về sợi quang và cáp quang trong vài năm qua đã làm cho thế giới thay đổi hẳn về định hướng chiến lược phát triển về công nghệ cao và cơ khí chính xác. Hiện nay, Chính phủ ở các nước là người mua chính với 64%, các phần còn lại là các hãng viễn thông tư nhân. Nhu cầu về băng thông dung lượng cao trên toàn thế giới tăng đáng kể dẫn đến sự thay đổi của cơ sở hạ tầng truyền thông quốc tế cũng như châu Á.
Trong thời gian tới nhu cầu về sợi quang trong nước cũng như thế giới sẽ tăng cao. Đặc biệt, các công nghệ mới đòi hỏi sự kết hợp các dịch vụ khác nhau trên thế giới, do đó làm tăng sự cần thiết cho sự phát triển hệ thống băng thông từ các hãng viễn thông khắp thế giới. Hiện nay, cáp sợi quang là giải pháp tối ưu cho vấn đề này, dự kiến nhu cầu cáp quang sẽ tăng trưởng 10-20% trong 10 năm tới”.
Theo báo cáo của KMI, sự tăng trưởng trong nhu cầu sợi quang là do FTTx (cáp quang đến nhà, đến văn phòng...) và nhu cầu này đang cao ở thị trường các nước đang phát triển. Hiện nay, FTTx được sử dụng ở mức cao nhất ở Bắc Mỹ và châu Á-Thái Bình Dương so với các sản phẩm khác, tương ứng với 60 và 40 tổng số cáp quang được sử dụng.
Còn ở thị trường trong nước hiện nay, nhu cầu về cáp quang trong những năm gần đây tăng rất cao. Tỷ lệ tăng từ năm 2007-2009 là 30-41%. Theo nhận định của giới chuyên môn tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 20% trong 3 năm tới. Thực tế này cho thấy các doanh nghiệp sản xuất sợi cáp quang sẽ có cơ hội thu lợi nhuận ở lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Đình Thi cũng đã khuyến cáo đến ngành công nghệ cao của Việt Nam rằng, vào thời gian gần đây nhiều Chính phủ đã nhận định được tầm quan trọng trong kết nối băng thông rộng và xem đây là một phần trong chiến lược cạnh tranh toàn cầu. Điều này tạo ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp viễn thông đầu tư vào internet tốc độ cao thông qua chương trình hỗ trợ của Chính phủ và các thành viên khác. Môi trường viễn thông Việt Nam không phải ngoại lệ.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam tiếp tục tập trung đầu tư vào phát triển hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin để đạt mục tiêu cho người sử dụng trang thiết bị viễn thông và băng thông rộng tốc độ cao. Xu hướng hạ tầng và viễn thông là thay thế lẫn xây dựng mở rộng hệ thống để đạt mục tiêu hiện đại hóa công nghệ tốc độ cao.
Để đồng bộ hóa hệ thống hạ tầng và truyền tải dữ liệu nhanh cùng với sự phát triển của đất nước, cáp đồng nên thay thế bằng cáp quang, hệ thống này cần được xây dựng phủ khắp các tỉnh thành.
Thái Đoàn