Hiện tại, Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng phim truyền hình Việt mới là 17 tập/tuần, phim nước ngoài 50 tập/tuần. Tỷ lệ thời lượng phim Việt Nam chiếm 25,37% tổng thời lượng phim. Nếu tính cả phim sản xuất mới và phát lại, tỷ lệ thời lượng phim Việt Nam phát sóng chiếm 60,95% so với tổng thời lượng phim (khoảng gần 900 tập phim/năm). Theo Nghị định số 54/2010/NĐ-CP quy định, tỷ lệ thời lượng phát sóng phim Việt Nam phải đạt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng phim của mỗi đài truyền hình. Như vậy, VTV đã thực hiện được quy định của Chính phủ, nhưng quan trọng hơn vẫn là chất lượng. Trong số các chương trình truyền hình có rating cao, phim truyền hình vẫn là một trong những chương trình thu hút người xem và có nguồn thu ổn định.
Đài Truyền hình TPHCM sản xuất số lượng tương tự (khoảng 800 tập/năm). Các đài truyền hình tỉnh cũng sản xuất khoảng 500 tập/năm/đài. Truyền hình cáp SCTV sản xuất khoảng 300 tập/năm. Như vậy, một năm, cả nước sản xuất khoảng 2.500 tập phim truyền hình. Hiện nay có 2 đơn vị sản xuất phim truyền hình có đội ngũ, thiết bị và quy tụ các thành phần sáng tác chuyên mảng phim truyền hình là VFC (thuộc Đài Truyền hình Việt Nam) và TFS (thuộc Đài Truyền hình TPHCM). Các đơn vị này đều có kinh nghiệm làm phim lâu năm, tạo ra được nhiều bộ phim có chất lượng, đoạt giải thưởng nghề nghiệp.
Khoảng 5 năm trở lại đây, với chủ trương xã hội hóa đã xuất hiện thêm nhiều đơn vị, công ty truyền thông tham gia lĩnh vực sản xuất phim truyền hình. Nhưng hầu hết đều tận dụng lại nguồn lực sáng tác và thành phần làm phim từ VFC, TFS và một số hãng phim điện ảnh. Trong đó, chỉ có khoảng 4 - 5 đơn vị sản xuất phim xã hội hóa có sự đầu tư thực sự cho hoạt động làm phim. Còn lại, hầu hết đều chỉ là đơn vị truyền thông đứng ra làm đầu mối nhận đặt hàng sản xuất từ các đài truyền hình rồi thuê khoán trọn gói lại cho một ê kíp sản xuất khác. Thậm chí, một số công ty do một số cá nhân đang làm việc tại các hãng phim, đơn vị của đài truyền hình núp bóng phía sau để điều phối.
Do đó, chất lượng phim của các đơn vị được đặt hàng sản xuất không đồng đều do: mức đầu tư kinh phí được đài truyền hình duyệt không còn nguyên vẹn vì phải san sẻ qua nhiều khâu trung gian, đầu mối; nguồn nhân lực làm phim truyền hình không được bổ sung thường xuyên để đáp ứng số lượng phim sản xuất tăng nhanh trong thời gian qua; thiếu rất nhiều các chuyên gia giỏi ở các khâu sáng tác quan trọng như biên kịch, đạo diễn, biên tập, quay phim, âm thanh, ánh sáng...
Một số đài truyền hình nhập nhiều phim nước ngoài có nội dung và chất lượng cao về phát sóng, đã phần nào tác động khiến khán giả so sánh với chất lượng các bộ phim truyền hình Việt. Điều này đòi hỏi đội ngũ làm phim, nhà quản lý phải có những nỗ lực để nâng cao chất lượng nội dung, nghệ thuật, kỹ thuật sản xuất phim truyền hình Việt.
Những format chương trình giải trí hấp dẫn nhất thế giới hiện nay xuất hiện nhiều ở Việt Nam, được đầu tư sản xuất tốt, lại được sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia nước ngoài nên chất lượng ngày càng được nâng cao. Trong khi đó, phim truyền hình không thể trông đợi vào việc mua format bản quyền kịch bản nước ngoài. Nếu có, chỉ chiếm tỷ lệ rất ít vì việc thực hiện Việt hóa kịch bản cần đảm bảo chất lượng nội dung phù hợp thị hiếu khán giả và văn hóa Việt Nam.
Vì vậy, việc sáng tác phim truyền hình Việt vẫn phải trông cậy toàn bộ vào nguồn lực trong nước. Tuy nhiên, chất liệu văn học và các vấn đề xã hội, cuộc sống không nhiều biến động nên chất lượng kịch bản phim cũng rơi vào tình trạng chung của nền văn học nghệ thuật Việt: vừa thiếu, vừa yếu.
Trên thực tế, chất lượng nội dung, kịch bản phim truyền hình hiện nay chưa có nhiều bứt phá. Đề tài phim chủ yếu chia 2 mảng: phim chính luận (vấn đề gia đình, xã hội, cảnh sát điều tra phá án) và phim tâm lý tình cảm (tình yêu tuổi trẻ, lập nghiệp, đời sống học sinh, sinh viên). Các đề tài này nếu không tiếp tục mở rộng sẽ làm phim truyền hình Việt rơi vào tình trạng nhàm chán, lặp lại. Việc sản xuất phim truyền hình hiện nay không dựa vào một quy trình sản xuất phim truyền hình chuyên nghiệp mà vẫn áp dụng cách làm phim điện ảnh đã lạc hậu.
Gần đây, VTV và HTV chủ trương thực hiện phim truyện thời lượng 90 phút, phát sóng 1 tập/tuần, nhưng với thực tế phát sóng thời gian qua, chưa thể khẳng định chất lượng phim 1 tập này sẽ tạo nên thương hiệu lớn! Một vài năm lại đây, chất lượng phim truyền hình Việt Nam đã được nâng cao, trong đó có sự cải thiện đáng kể về chất lượng hình ảnh đạt chuẩn HD, sử dụng các thiết bị quay hỗ trợ như cần cẩu, flyingcam, dolly, camera gopro… để tạo nên những khuôn hình, động tác máy sinh động.
Để hướng đến việc phát triển sản xuất phim truyền hình đạt chất lượng và chuyên nghiệp, cần nhiều sự bứt phá trong các khâu: thiết bị kỹ thuật, môi trường sản xuất, đào tạo đội ngũ nhân lực có chuyên môn cao về lĩnh vực sản xuất phim truyền hình, tăng cường công tác PR, quảng bá phim nhằm tạo cơ hội hợp tác, trao đổi bản quyền và cần đầu tư cho các dự án phim đặc biệt để tạo ra thương hiệu, đẳng cấp về nội dung, thu hút quảng cáo.
Ngoài ra, việc sắp xếp giờ phát sóng phim truyền hình vào các thời điểm đông khán giả, “giờ vàng” sẽ giúp cho phim truyền hình Việt Nam có cơ hội thu hút thêm lượng khán giả.
ĐỖ THANH HẢI