Cần sự ''thức tỉnh''

LÂM NGUYÊN

Thông tin Thanh tra Bộ NN-PTNT phối hợp với Chi cục Thú y TPHCM tiêu hủy 80 con heo, có chứng nhận VietGAP, nhiễm chất cấm salbutamol đang gây lo lắng cho dư luận. Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan chức năng phát hiện heo nhiễm chất cấm bị tiêu hủy, nhưng lần này đáng lo hơn vì heo bẩn lại có chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Quy trình chăn nuôi chuẩn VietGAP được cơ quan chức năng kiểm soát nghiêm ngặt để bảo đảm không có dư lượng kháng sinh, chất cấm mà cuối cùng vẫn nhiễm. Vậy thì với heo không đạt tiêu chuẩn VietGAP, nguy cơ nhiễm lớn đến mức nào?

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM cho biết, từ đầu năm đến nay đã phát hiện 37 vụ heo nhập vào thành phố chứa chất cấm. Còn theo Bộ NN-PTNT, vừa qua sau đợt xử lý cao điểm, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi về cơ bản đã được khống chế. Nguồn nhập khẩu và kinh doanh chất salbutamol của các công ty dược đã được Bộ Y tế quản lý chặt chẽ hơn, đưa vào danh mục các chất quản lý đặc biệt. Đến thời điểm hiện tại, số vụ vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với các trang trại đã giảm đáng kể, theo số liệu giám sát của ngành thú y (tháng 1-2016 là 9,8%; tháng 2-2016 là 1,46%; tháng 3-2016 là 0,66%). Thế nhưng, người dân chưa thể yên tâm với tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

“Tôi đang rất lo cá chết ở miền Trung sẽ thành thực phẩm cho dân?”, là vấn đề được Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nêu ra trong hội nghị về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) do Thủ tướng Chính phủ chủ trì trong ngày 27-4. Chưa bao giờ nỗi lo về đường ăn, đường uống lại trở nên ám ảnh như bây giờ. Đâu đâu cũng có thông tin về rau bẩn, thịt bẩn, tôm cá bẩn, rồi rượu bia giả, nước uống không bảo đảm chất lượng.

Đúng như một đại biểu Quốc hội đã từng nói một cách đầy chua xót: “Chưa bao giờ đường từ dạ dày đến nghĩa địa lại gần như lúc này”. ATVSTP gần như đang trở hành nỗi sợ hãi của từng người dân với chất cấm salbutamol, vàng ô, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, rượu giả, thực phẩm chức năng… Người tiêu dùng chỉ biết tự trấn an: thực phẩm mình đang mua có thể may mắn không bị nhiễm bẩn. Những người có điều kiện kinh tế thì chấp nhận chi phí đắt hơn để mua rau quả, thịt cá ở các siêu thị lớn, nhưng không thể phủ nhận, tất cả cũng chỉ đang… ăn uống bằng niềm tin. Sự thật, đa phần người dân hiện nay vẫn đang sử dụng thực phẩm bằng niềm tin.

Một thực tế phải thừa nhận sản xuất, chế biến thực phẩm ở nước ta chủ yếu nhỏ lẻ (10 triệu hộ nông dân sản xuất thực phẩm; 500.000 cơ sở chế biến, trong đó 85% có quy mô vừa và nhỏ, hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ dẫn tới việc trang thiết bị, nhà xưởng không bảo đảm điều kiện ATVSTP). Nhiều doanh nghiệp, nông dân sản xuất thực phẩm vẫn đặt lợi nhuận lên hàng đầu nên vi phạm pháp luật, phi đạo đức. Trong khi đó, chế tài xử phạt chưa nghiêm; không có ai ở các bộ, ngành, địa phương bị truy trách nhiệm trong việc để thực phẩm bẩn tràn lan.

Chính vì vậy, dù đã có một hệ thống quy phạm pháp luật khá đồng bộ, dù đã phân định trách nhiệm rõ ràng đến mức “3 bộ quản lý một mâm cơm”, nhưng trong suốt thời gian dài, thực phẩm bẩn vẫn không được ngăn chặn hiệu quả, thậm chí ngày càng trở lên trầm trọng hơn. Thực tế đó đòi hỏi phải có một sự “thức tỉnh” trong toàn bộ hệ thống, từ chỉ đạo điều hành của Chính phủ đến sự vào cuộc của bộ, ngành, chính quyền các cấp, mặt trận, đoàn thể, và quan trọng hơn, của chính mỗi người dân.

Đáng mừng là Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ 1-7-2016) có nhiều quy định về tội phạm trong lĩnh vực ATVSTP với các hành vi cụ thể, bị xử lý về hình sự với chế tài nghiêm khắc. Cá nhân, tổ chức nào vi phạm sẽ bị phạt tiền, phạt tù, cấm kinh doanh; trường hợp nghiêm trọng có thể bị phạt tù tới 20 năm. Rõ ràng, đã đến lúc, không chỉ cứ tuyên truyền vận động, mà phải xử tù những người có hành vi cung cấp thực phẩm bẩn cho xã hội. Bởi đó không đơn thuần là việc kinh doanh kiếm lợi nhuận, mà là hành vi đầu độc sức khỏe, tính mạng con người.


LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục