(SGGP).- Ngày 11-10, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân TPHCM do bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với quận 8 về tình hình của giáo dục mầm non của quận.
Theo báo cáo của quận 8, đến nay hệ thống trường công lập của quận vẫn còn tồn tại 7 trường có nhiều điểm lẻ (từ 2 - 7 điểm), đa số là nhà dân được cải tạo làm lớp học. Điều này đã gây khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ cũng như tâm lý mất bình đẳng trong hưởng thụ giáo dục tại địa phương của người dân. Toàn quận có 41 cơ sở mầm non ngoài công lập hiện đang nuôi dạy gần 1/3 tổng số trẻ mầm non trên địa bàn quận. Tuy nhiên chỉ có 2 cơ sở đạt chuẩn trường mầm non còn lại đều là cơ sở nhỏ lẻ, trang thiết bị còn thiếu thốn. Đội ngũ giáo viên mầm non còn thiếu nên một số trường phải sử dụng thêm 111 bảo mẫu. Đặc biệt như Trường Mầm non 19-5 là trường chuẩn quốc gia nhưng vì thiếu giáo viên nên phải bỏ trống 3 phòng học trong năm học này. Do điều kiện, chế độ thu nhập của giáo viên thấp nên chỉ trong 2 năm qua quận 8 có 43 giáo viên, bảo mẫu bỏ việc, chiếm gần 10% tổng số nhân sự toàn ngành.
Quận 8 kiến nghị cần phải cải cách chế độ tiền lương và phụ cấp cho giáo viên, điều chỉnh một số khoản thu như: học phí, phí bán trú, tiền vệ sinh phí… Ngoài ra cần có thêm chính sách hỗ trợ cho các cơ sở mầm non ngoài công lập.
Theo Phó trưởng phòng Giáo dục quận 8 Nguyễn Thị Ánh Tuyết, nếu chỉ tính việc ngân sách phải bỏ ra 18 tỷ đồng xây dựng một trường chuẩn quốc gia và hàng năm phải cấp gần 3 tỷ đồng trả lương và các hoạt động của trường để nuôi dạy gần 600 HS thì với hơn 3.000 HS đang học tại các cơ sở ngoài công lập nhà nước đã không phải chi 15 tỷ đồng mỗi năm và 90 tỷ đồng để xây trường.
Trong khi đó các trường ngoài công lập vừa phải cố gắng để đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về các quy định chung, vừa phải thu học phí phù hợp với đa số người dân còn khó khăn, do đó việc đầu tư cơ sở vật chất chỉ ở mức tối thiểu, thiệt thòi cuối cùng vẫn là học sinh.
Ngày 11-10, hội thảo về chính sách giáo dục mầm non do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Với những bức xúc chưa bao giờ được coi là “nguội” trong vấn đề này, hàng loạt khó khăn chồng chất của giáo dục mầm non (GDMN) lại một lần nữa được đem ra mổ xẻ.
Những khó khăn của giáo dục mầm non đã được báo SGGP nhiều lần đề cập. Bà Lê Thị Ánh Tuyết, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT cho biết, hệ thống trường lớp GDMN ở một số nơi vẫn không đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, thậm chí rất nhiều nơi vẫn đang trắng trường mầm non, ngay cả ở nội thành Hà Nội. Ngoài ra, chế độ lương giáo viên mầm non chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ có sư chênh lệch lớn giữa các vùng miền…
Thông tin do Hội Bảo vệ quyền trẻ em cũng cho thấy, ngay cả ở trong quận nội thành Hà Nội việc quy hoạch các dự án xây dựng khu đô thị mới đã không dành đủ quỹ đất cho các cơ sở GDMN, hoặc có dành quỹ đất cho trường nhưng đã thực hiện xã hội hóa, giao cho tư nhân quản lý. Tư nhân quản lý được hưởng ưu đãi cho chính sách xã hội hóa nhưng lại xây dựng trường mầm non “dịch vụ chất lượng cao”, nhiều trường còn có yếu tố nước ngoài, chỉ đáp ứng nhu cầu cho bộ phận các gia đình có thu nhập cao. Vì vậy, con em những gia đình khó khăn phải chấp nhận cho con học trường tư thục chất lượng không bảo đảm hoặc chạy vạy để học trường công lập. Điều này tạo nên nghịch lý ở không ít nơi: trường chất lượng cao thừa chỗ cho trẻ học nhưng con em gia đình nghèo vẫn thiếu chỗ học, trong khi đó các trường công lập thì hầu như đều ở trong tình trạng quá tải về sĩ số cháu/lớp.
Từ thực trạng nêu trên, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng nhiều chính sách không kịp thời, thiếu đồng bộ do đó cần thay đổi, đặc biệt là điều chỉnh chính sách xã hội hóa trong GDMN hiện nay. Theo đó, cần kiểm soát việc xây dựng quy hoạch chi tiết các loại hình trường, lớp với các quy mô đa dạng trên địa bàn, nhất là ở các khu dân cư mới. Chỉ khi kiểm soát được việc thực hiện quy hoạch trường, lớp trên từng địa bàn cụ thể thì mới có thể đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân.
L.LINH - L.NGUYÊN