Hiện nay, rất nhiều người trẻ tuổi sử dụng internet để bày tỏ ý kiến cá nhân bằng nhiều cách. Sau một cơn mưa lớn, một số người đã đưa nhiều hình ảnh và bài hát chế về tình trạng ngập lụt, vừa miêu tả một cách hài hước về thực trạng đó, vừa phê phán những bất cập trong công tác phòng chống ngập. Thế nhưng, việc chế lời bài hát có thể vi phạm bản quyền của tác giả bài hát chính thức, đồng thời, khi miêu tả, phê phán có những cường điệu hoặc nhận định chưa thực sự phù hợp.
Hay trên mạng xã hội, một số người vì để thu hút người đọc câu view (người xem), câu like (người thích), câu comment (người bình luận), câu share (người chia sẻ) đã cố tạo được một status (trạng thái) gây chú ý, một tấm ảnh hay một clip độc đáo mà “quên” mất một số chuẩn mực. Chẳng hạn, vấn đề bản quyền, việc tôn trọng người được đề cập, tôn trọng người xem, thậm chí liên quan đến yếu tố pháp luật. Đôi lúc, người ta vô tư dẫn lại một câu chuyện hư cấu, sai lầm mà tưởng rằng đang làm một việc cảnh báo tích cực, chẳng hạn chuyện “Hương mắt lồi”, chuyện kim tiêm dính máu nhiễm HIV trong rạp hát/rạp chiếu phim, chuyện bấm ngược mã PIN của thẻ ATM… Những việc đó làm lẫn lộn giữa cái đúng và cái sai, cái cần bảo vệ và cái cần đấu tranh, khiến một số người bị mắc bẫy hoặc bị ngộ nhận.
Từ đó có thể thấy, mỗi người cần tự ý thức đúng đắn về các chuẩn mực trong xã hội. Trước hết, phải tôn trọng các chuẩn mực mang tính biểu tượng, như liên quan đến quốc gia, dân tộc, các vĩ nhân của dân tộc…, phải xem đó là những điều không thể đem ra đùa cợt, xuyên tạc. Bên cạnh đó, phải tôn trọng và bảo vệ các chuẩn mực về đạo đức, thuần phong mỹ tục, văn hóa mang tính đặc trưng của dân tộc. Đặc biệt, cần tôn trọng pháp luật khi ứng xử với nhau, dù đang trên “thế giới ảo” của mạng internet. Các phương tiện truyền thông cần quyết liệt phê phán, đấu tranh với các biểu hiện lệch chuẩn. Các cơ quan chức năng cần sớm lên tiếng phản hồi về thông tin liên quan đến lĩnh vực của mình.
Dĩ nhiên, ý thức này không chỉ để áp dụng với các vấn đề trên internet mà chủ yếu từ trong đời sống thực tế. Chẳng hạn, một người có thái độ đúng đắn khi chào cờ hoặc khi đi ngang khu vực đang chào cờ chắc sẽ không có thái độ sai trái khi ứng xử vấn đề này trên internet. Do đó, gia đình, nhà trường phải hết sức lưu ý đến nhận thức, thái độ, tình cảm của trẻ trong độ tuổi học sinh, nhất là các vấn đề liên quan đến biểu tượng của đất nước, của dân tộc, để kịp thời có sự chấn chỉnh. Có uốn nắn từ nhỏ thì lớn lên, các em mới hình thành nhận thức đúng đắn.
TRÚC GIANG