Qua báo chí, tôi được biết TPHCM sắp triển khai dự án đường trên cao trị giá khoảng 15.000 tỷ đồng theo phương thức BOT. Trước đây, đã có một tổng công ty khảo sát và đề xuất làm đường trên cao dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ý định này đã sớm vấp phải sự phản đối của nhiều người, bởi lẽ nếu triển khai theo đề xuất này, con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tiêu tốn biết bao nhiêu tiền của, công sức, thời gian để trả lại cho thành phố cảnh quan sạch đẹp sẽ sớm biến thành con rạch giữa lòng thành phố.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn phía sau Thảo Cầm viên, gần cầu Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: T.L
Theo thông tin các báo đưa, một công ty đã đề xuất xây dựng đường trên cao mà điểm đầu là khu vực Lăng Cha Cả, ra Phan Thúc Duyện, Phan Đăng Lưu, Phan Xích Long ra Điện Biên Phủ và điểm cuối là cầu Phú An (Bình Thạnh) theo hình thức BOT. Trong tình hình hiện nay, với chủ trương kêu gọi xã hội hóa, đây là một đề nghị khá hấp dẫn và tính khả thi cao. Mục đích của công trình nhằm giải tỏa lượng xe từ sân bay về trung tâm thành phố. Nhìn xa hơn, tuyến đường này sẽ là lộ trình lý tưởng cho các phương tiện, đặc biệt từ cửa ngõ Tây Bắc vào khu vực trung tâm. Mới đây, có ý kiến đề nghị nên “nắn” hướng tuyến công trình về trục đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi và thọc sâu vào khu vực trung tâm. Theo tôi, trục đường trên khá thông thoáng, tuy nhiên sẽ bị thắt nút chai từ giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Điện Biên Phủ. Muốn đi thẳng vào khu vực trung tâm, chúng ta sẽ phải đốn hạ không biết bao nhiêu cây xanh trên tuyến đường này và vô hình trung, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa sẽ thành… con hẻm giữa lòng thành phố. Đó là chưa nói, thành phố đã tiêu tốn khá nhiều tiền để mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa thành “con đường quốc tế”, mỗi năm đón hàng triệu lượt khách nước ngoài, nguyên thủ các nước đến thăm thành phố. Chưa nói, đường trên cao sẽ kết thúc điểm cuối ở đâu khi vào vùng lõi của khu vực trung tâm vốn đã khá chật hẹp?
Hướng tuyến mà công ty nói trên đề xuất sẽ gặp khó khăn khi phải giải tỏa một số hộ dân, đoạn từ đường Phan Xích Long ra đường Điện Biên Phủ. Đây là cái “xương” mà người dân và thành phố cần hỗ trợ nhà đầu tư để triển khai công trình. Điểm cuối của đường trên cao sẽ kết thúc tại cầu Phú An. Theo tôi, nhà đầu tư nên nghiên cứu để kết nối con đường này với tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu vào khu vực trung tâm. Để công trình sớm khởi động, thiết nghĩ cần có sự phản biện của các nhà khoa học, ý kiến của chính quyền và người dân địa phương, đặc biệt là khu vực bị ảnh hưởng khi tiến hành công trình. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư sẽ có đủ dữ liệu để xem xét, cân nhắc khi triển khai. Nếu thuận buồm xuôi gió, con đường này sẽ là tiền đề để thành phố triển khai tiếp các đường trên cao còn lại theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt.
Hoàng Thu (Quận Bình Thạnh, TPHCM)