Có thể nói ngay, văn nghệ sĩ nào khi sáng tác cũng đau đáu nỗi mong mỏi đứa con tinh thần của mình phải là một sản phẩm chân - thiện - mỹ, phải được hoàn thiện ở mức cao nhất. Nhu cầu sáng tác tác phẩm đỉnh cao là một động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy công việc sáng tác của văn nghệ sĩ. Với công chúng, với xã hội, nhu cầu thưởng thức văn học - nghệ thuật (VH-NT) cũng gắn liền với nhu cầu thưởng thức tác phẩm VH-NT đỉnh cao. Trong quy luật sáng tác, “lượng” có thể biến thành “chất”. Song, trong sự nghiệp của văn nghệ sĩ, trong đời sống VH-NT ở xã hội, ở cộng đồng, “lượng” không thể thay thế cho chất.
Thực tế từ xưa đến nay cho thấy, tác phẩm làm nên danh tiếng của tác giả. Người ta nhớ đến hình tượng nhân vật, những câu thơ, hay nói rõ hơn tên tác phẩm trước khi nhớ đến tác giả.
Giá trị của tác phẩm đỉnh cao trước hết và trên hết là sự kết tinh hội tụ của giá trị thời đại hay nói cho rõ hơn là giá trị của những thời kỳ lịch sử. Do vậy, dù muốn hay không muốn, vô thức hay ý thức, VH-NT luôn mang dấu ấn của thời điểm. VH-NT chưa bao giờ và không khi nào quay lưng với thời cuộc, xa rời những vấn đề nóng của xã hội, của đất nước, của nhân loại.
Ai cũng biết, để có tác phẩm chất lượng cao phải hội tụ hai điều kiện “cần” và “đủ”, trong đó “cần” là căn bản. Tài năng và ý thức trách nhiệm công dân là “cần”. Sự hỗ trợ của công chúng, của xã hội là điều kiện “đủ”. Do vậy, vấn đề đầu tư để có tác phẩm hay cũng cần xác định rõ cái “cần” và “đủ”. Trước hết vấn đề đầu tư phải có được một kế hoạch phát hiện, đào tạo, chăm sóc các tài năng. Không có tài năng không thể có tác phẩm lớn. Đầu tư cho các cuộc thi, các giải thưởng VH-NT cũng là một cách làm để phát hiện và chăm lo tài năng. Tuy nhiên để việc đầu tư tài năng có kết quả cao rất cần có định hướng cụ thể.
Vừa qua, trong buổi gặp mặt thân mật với văn nghệ sĩ, đồng chí Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TPHCM, đã phát biểu bày tỏ mong muốn các văn nghệ sĩ TP có những tác phẩm chất lượng cao về con người và cuộc sống hôm nay của TP. Phát biểu của Bí thư Thành ủy không chỉ là định hướng sáng tác. Đấy còn là một gợi ý đúng đắn cho việc đầu tư. Chúng ta phải đầu tư có hiệu quả cho những tác phẩm thể hiện phẩm chất cao đẹp của những con người mới hôm nay, những vấn đề “nóng” của xã hội đương thời. Vấn đề không dừng lại ở tài chính. Tiền bạc là quan trọng, nhưng cái quan trọng nhất vẫn là tạo động lực, tạo điều kiện để các văn nghệ sĩ có được cảm xúc sâu rộng và hiểu biết thực tế đầy đủ. Trong đầu tư, nhất thiết phải chú ý tới những văn nghệ sĩ trẻ. Đầu tư cho tài năng trẻ chính là đầu tư cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Ngày 27-5 vừa qua, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức “Hội nghị những người viết văn trẻ” và trại sáng tác trẻ là một cách đầu tư văn học trẻ rất đáng trân trọng.
Cuối cùng, như đã nói ở trên, vấn đề đầu tư cần chú ý đến điều kiện đủ. Người xưa có nói, bạn đọc lớn sẽ tạo điều kiện để ra đời tác giả lớn, tác phẩm lớn. Văn hóa cộng đồng, văn hóa đọc, thị hiếu thẩm mỹ trong xã hội phát triển sẽ là một nguồn lực mạnh mẽ để văn nghệ sĩ có những tác phẩm đỉnh cao.
TRẦN VĂN