Cần xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với DNNN

Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm là nội dung nhiệm vụ thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Cần xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với DNNN

Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm là nội dung nhiệm vụ thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Đa số ý kiến tán thành với việc không quy định bộ có chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước. Trả lời báo chí về nội dung này, TS Trần Du Lịch (ảnh), Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM cho rằng, cần xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản và thành lập cơ quan trực thuộc Chính phủ điều hành các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Cần xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với DNNN ảnh 1

TS Trần Du Lịch

- Phóng viên: Cơ bản ý kiến ĐBQH cho rằng cần xóa bỏ cơ chế chủ quản của các bộ đối với DNNN. Ông đánh giá thế nào về quan điểm này?

>> TS Trần Du Lịch: Cần xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với DNNN. Trước đây, còn 18 tổng công ty 91 (nhóm doanh nghiệp nhà nước được thành lập theo Quyết định 91 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tập đoàn kinh doanh - PV), các bộ không can thiệp, bây giờ trả về các bộ hết thì các bộ can thiệp từ nhân sự đến kế hoạch. Nói chung, không gọi là chủ quản nhưng thực chất là chủ quản. Và như vậy chúng ta không thể nào thực hiện chức năng quản lý nhà nước tốt. Các bộ - cơ quan quản lý nhà nước, trong cơ chế thị trường phải là các trọng tài, đề ra chính sách, kiểm tra, đúng như quan điểm của chúng ta là mọi thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo luật. Còn cơ quan quản lý nhà nước phải là trọng tài. Anh không thể là trọng tài khi dưới tay anh có một loạt doanh nghiệp. Đây là điều đã kéo dài mười mấy năm nay nhưng không làm được dù đã có chủ trương. Chậm làm là vì liên quan đến lợi ích của các bộ ngành, địa phương.

Còn quan điểm của tôi, chính quyền địa phương chỉ là các dịch vụ công ích, phục vụ người dân. Còn Chính phủ muốn làm kinh doanh thì tổ chức một số tập đoàn lớn. Và các tập đoàn này, điều lệ của nó phải là một đạo luật. Và hàng năm phải báo cáo trước Quốc hội. Ví dụ tập đoàn dầu khí hàng năm phải báo cáo trước Quốc hội tất cả mọi hoạt động và Quốc hội sẽ quyết định năm tới tập đoàn được để lại bao nhiêu lợi nhuận để tái đầu tư, bao nhiêu lợi nhuận phải nộp ngân sách.

Tôi gặp lãnh đạo các tổng công ty nhà nước, tập đoàn, nghe người ta kêu trời vì nằm dưới “nách” các bộ, mọi chuyện đều phải “bẩm”. “Bẩm” từ ông chuyên viên, “bẩm” lên đến vụ trưởng, rồi thứ trưởng phụ trách rồi mới đến bộ trưởng. Tức là phải bẩm từ dưới lên. Ở trung ương cũng vậy, ở địa phương cũng vậy.

- Vậy theo ông, biện pháp nào để quản lý các tập đoàn nhà nước cũng như nâng cao hiệu quả đầu tư vốn nhà nước?

Chúng ta phải tiến tới có 5 - 7 tập đoàn kinh tế như một số nước, hoạt động của nó khác nhau, điều lệ của nó là đạo luật. Thế giới họ đã làm như vậy. Còn lại cần tổ chức một cơ quan trực thuộc Chính phủ, làm đầu mối để tổ chức, sắp xếp lại hệ thống, để dần dần chúng ta quy lại chỉ còn 4 lĩnh vực theo đúng Luật Kinh doanh vốn nhà nước. Đó là: nhóm các dịch vụ công cộng, chủ yếu là ở chính quyền địa phương; nhóm công nghiệp quốc phòng; nhóm độc quyền như khoáng sản, tài nguyên quốc gia; các lĩnh vực nhà nước đầu tư mang tính “mở đường” về công nghệ cao ở một số lĩnh vực.

Riêng lĩnh vực thứ tư là đầu tư mang tính “mở đường” về công nghệ cao là hết sức quan trọng và phải gắn với kế hoạch, chiến lược. Bộ KH-ĐT phải đề xuất các ngành ở lĩnh vực này này để Quốc hội sẽ quyết định vấn đề này gắn với chiến lược phát triển của các ngành. Sau khi nhà nước đầu tư “mở đường”, khu vực kinh tế tư nhân đã làm được thì lúc đó nhà nước sẽ rút vốn để đầu tư các lĩnh vực khác.

- Sửa luật lần này, nhất là Luật Tổ chức Chính phủ, theo ông hiệu quả đến đâu?

Lần này sửa các luật, trong đó có Luật Tổ chức Chính phủ là cơ hội để sửa những bất cập hiện nay trong công tác quản lý các DNNN. Nếu không sửa thì không biết đến lúc nào. Bây giờ phải rạch ròi. Nếu nhà nước cần nắm giữ thì chỉ nắm giữ 65% cổ phần là đủ. Còn chỗ nào không cần thiết nắm giữ thì thoái vốn dần, hoặc không cần nắm giữ nữa. Không cần nắm giữ 20% - 30% vốn ở doanh nghiệp làm gì, vì nhà nước không phải đi kiếm cổ tức.

- Xin cảm ơn ông!

LÂM NGUYÊN (ghi)

Tin cùng chuyên mục