Năm 2015 là năm đầu tiên thực hiện đổi mới thi cử một cách mạnh mẽ nhất trong những năm gần đây, với việc ra đời kỳ thi quốc gia THPT, mục đích “2 trong 1”. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong suốt thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã công bố những đường hướng, nội dung chính cho việc thay đổi này. Có những thay đổi đã được công bố từ trước đó nên không gây bất ngờ, nhưng cũng có những thay đổi gần đây nhất được Bộ GD-ĐT công bố đã gây bất ngờ lớn cho phụ huynh, học sinh, giáo viên và xã hội như việc bài thi sẽ được chấm theo thang điểm 20... Dù đó là những thay đổi đã được công bố sớm hay muộn thì có một sự thật mà các chuyên gia giáo dục, các em học sinh, các bậc phụ huynh đang cảm thấy không yên tâm, đó là đến thời điểm này, khi học kỳ I đã kết thúc nhưng dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2015 vẫn chỉ đang trong quá trình lấy ý kiến và Bộ GD-ĐT chỉ mới hứa là sẽ ban hành trước Tết Nguyên đán cho học sinh biết.
Dĩ nhiên, kỳ thi mãi đến đầu tháng 7 mới diễn ra. Vẫn còn nửa năm cho học sinh ôn luyện. Nhưng vấn đề là thời gian cho công tác đăng ký dự thi không còn nhiều vì chỉ vài tháng nữa là các em sẽ đăng ký dự thi. Tâm lý chung của phụ huynh, học sinh vẫn là được nghiên cứu một quy chế thi chính thức, với đầy đủ thông tin để thực sự yên tâm bước vào thi cử. Bởi vậy một quy chế thi chậm được ban hành, nhất là trong bối cảnh vẫn còn nhiều nội dung vẫn tiếp tục gây tranh luận thì nỗi lo đó là hiển nhiên.
Không thể phủ nhận những giải trình của Bộ GD-ĐT về việc đổi mới thi cử là có lý, nhất là việc thay đổi này có nhiều điểm thuận lợi cho thí sinh. Thế nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cho đến thời điểm này chưa có được sự thống nhất cao, đặc biệt là việc tổ chức cụm thi, chấm thi theo thang điểm 20. Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng, mỗi học sinh sau khi học xong cấp 3 đều bình đẳng trong việc thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, thay vì tổ chức 34 cụm thi nên tổ chức mỗi tỉnh một cụm thi để học sinh đỡ phải di chuyển xa. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT từng công bố mỗi năm có khoảng 20% số học sinh tốt nghiệp THPT không có nguyện vọng học tiếp ĐH-CĐ. Như vậy, theo dự kiến tổ chức các cụm thi liên tỉnh như hiện tại, khoảng 100.000 thí sinh sẽ bắt buộc phải di chuyển đến các địa điểm thi xa hơn rất nhiều. Điều này gây lãng phí công sức và tài chính cho địa phương không khi phải đưa đón, thu xếp chỗ ăn nghỉ cho thí sinh. Nên cấp chứng chỉ kết thúc chương trình học phổ thông cho thí sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp, chứng chỉ này không có giá trị thi tuyển ĐH-CĐ, nhưng được chấp nhận để vào học trung cấp nghề, đi làm công nhân. Hoặc không thì tổ chức thi tốt nghiệp cho số học sinh không có nhu cầu thi vào ĐH-CĐ ngay tại trường của mình.
Như vậy, chỉ riêng việc tổ chức cụm thi thế nào đến thời điểm này vẫn chưa có sự thống nhất cao. Và quan trọng hơn là Bộ GD-ĐT cũng chưa công bố được tiêu chí để lựa chọn cụm thi, lựa chọn các trường đại học nào tham gia chủ trì cụm thi, chưa công bố được số lượng cụm thi (mới chỉ nói dự kiến có từ 34 - 35 cụm thi trong cả nước). Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia, thay đổi lớn nhất của kỳ thi năm 2015 chính là ở vấn đề tổ chức thành các cụm thi và giao cho các trường đại học chủ trì. Nhưng đến nay việc này vẫn chưa rõ ràng nên gây băn khoăn là dễ hiểu. Nếu chậm công bố điều này cũng sẽ gây khó cho các sở, các trường đại học trong việc lên phương án tổ chức. Thực tế, những khó khăn khi tổ chức cụm thi liên tỉnh cần phải được lường trước như vấn đề đi lại, giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh thực phẩm... Chậm công bố ngày nào, sự chuẩn bị sẽ bị động ngày đó.
Ngoài ra, vấn đề mà các em học sinh hiện nay đang rất lo lắng là về cấu trúc và nội dung của đề thi. Tuy Bộ GD-ĐT luôn khẳng định sẽ xây dựng đề thi với định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 theo hướng đánh giá năng lực người học nhưng nhà trường, giáo viên tổ chức cho học sinh ôn tập vẫn vô cùng lúng túng. Nhiều giáo viên THPT nhận xét, chưa rõ mức độ phân hóa của đề thi đến đâu, có đưa kiến thức lớp 11 vào đề thi hay không, đặc biệt với thang điểm 20 mà Bộ GD-ĐT công bố sẽ áp dụng cho kỳ thi năm 2015 thì các em học sinh đang rất lo lắng về mức phân hóa của đề thi. Dù hiện nay, nhiều trường THPT đã và đang đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá môn học theo hướng đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn để làm bài, giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tiễn cuộc sống... nhằm tiếp cận hướng ra đề thi của năm 2015 nhưng nhiều giáo viên cho hay vẫn ôn luyện theo kiểu “dò đá qua sông”. Đó là lý do mà kỳ nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, nhiều trường THPT chỉ dám nghỉ duy nhất ngày thứ năm (1-1), thay vào đó vẫn tổ chức dạy học bình thường, lý do là để tranh thủ thời gian dành cho chương trình học và ôn luyện.
Một kỳ thi với nhiều đổi mới, quá nhiều bộn bề phải tính toán và nhiều lo lắng đến từ nhiều phía cần phải giải tỏa. Mọi đổi mới đều gây hoài nghi, lo ngại. Nhưng chắc chắn nếu chuẩn bị một cách chủ động, công bố thông tin một cách kịp thời thì nhiều vấn đề sẽ được giải tỏa. Điều cần thiết nhất mà Bộ GD-ĐT cần làm hiện nay là sớm công bố quy chế thi, có hướng dẫn ôn tập cụ thể cho giáo viên, học sinh; công khai danh sách các cụm thi và khối lượng công việc các địa phương, các trường đại học phải làm. Bởi như nhiều ý kiến đã khẳng định, sự đồng thuận cao đã mang đến 50% thành công của sự thay đổi.
LÂM NGUYÊN