Cảng chờ đường

Việc tập kết và giải phóng hàng ở các cảng tại TPHCM rất khó khăn do giao thông hạn chế khiến lượng hàng về cảng bị ứ đọng nhiều bởi xe tải không được lưu thông vào ban ngày. Thêm vào đó, đường sá, cơ sở hạ tầng của thành phố chưa đáp ứng được lưu lượng xe vận tải nặng ra vào thành phố cũng như gây kẹt xe, tai nạn giao thông tăng, dân cư quá tải... Chủ trương di dời các cảng ra khỏi nội thành TP là điều cần thiết trong bối cảnh như vậy.

Chủ trương của thành phố về việc di dời cảng là hợp lý bởi lượng hàng hóa lưu thông trong thời gian tới sẽ rất lớn. Nếu không di dời cảng, những tàu có trọng tải lớn không cập cảng ở TP được vì quá tải. Tuy nhiên di dời nhưng đầu tư không đồng bộ về hạ tầng cũng gây lãng phí. Minh chứng cho điều này là cảng Phú Hữu đã cơ bản xây dựng hoàn chỉnh có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 30.000DWT, công suất 3 triệu tấn hàng/năm, tổng kinh phí đầu tư khoảng 368 tỷ đồng. Với hệ thống cầu cảng dạng bến nhô dài 320m, rộng 33m cùng một số hạng mục như kè đá bảo vệ, đường nội bộ, bãi container, bãi hàng tổng hợp, văn phòng, nhà kho, nhà xưởng… Mục tiêu khi cảng hoàn thành góp phần giải quyết ách tắc giao thông do việc vận chuyển hàng hóa không qua khu vực nội đô TP, góp phần tăng trưởng kinh tế của TP và giải quyết công ăn việc làm cho 560 lao động.

Tuy nhiên, đến nay cảng vẫn chưa thể khai thác được do chưa có đường giao thông nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào cảng. Tuyến đường nối từ cảng Phú Hữu và Nhà máy xi măng Hà Tiên (cạnh cảng Phú Hữu) ra đường Nguyễn Duy Trinh quận 9 dài 1,7km với kinh phí đầu tư 300 tỷ đồng nhưng thi công ì ạch. Khi xong đường này thì xe container cũng khó ra vào cảng Phú Hữu vì đường Nguyễn Duy Trinh quá hẹp và dân cư hai bên đường này ngày càng đông đúc. Trong khi đó, dự án mở rộng tuyến đường nối từ Nguyễn Duy Trinh ra xa lộ Hà Nội, dài khoảng 800m hiện TP vẫn chưa có vốn đầu tư xây dựng. Như vậy, dù có tuyến đường nối từ cảng Phú Hữu ra đường Nguyễn Duy Trinh thì xe ra vào cảng vẫn rất khó khăn ở đoạn từ Nguyễn Duy Trinh ra xa lộ Hà Nội. Mặt khác, khi tuyến đường này hoàn thành đưa vào sử dụng, việc vận chuyển hàng hóa khu vực Đông Bắc TP cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do hệ thống giao thông hiện hữu chưa được thông suốt với xa lộ Hà Nội.

Hiện nay để vào được cảng Phú Hữu phải chạy xe gắn máy vào đường Gò Cát rộng khoảng 5m, đi tiếp vào một con đường đất ngoằn ngoèo, mặt đường lồi lõm gồ ghề rất khó đi. Đây là lối đi duy nhất hiện nay để vào được bên trong cảng. Trước cổng cảng Phú Hữu nằm sát vách ranh giới Nhà máy xi măng Hà Tiên là con đường chính ra vào cảng dài khoảng 2,6km cho 4 làn xe lưu thông. Đơn vị thi công triển khai rất “nhàn nhã”. Cảng Phú Hữu rộng 24ha, mặt bằng bến bãi đã sẵn sàng tiếp nhận container và hàng hóa nhưng hiện ở đây không có một container hàng hóa nào. Cầu tàu dài 320m nằm bên sông Đồng Nai đã được xây xong để tiếp nhận tàu có trọng tải đến 30.000 tấn nhưng nay chỉ có một con tàu cũ đang neo đậu để sửa chữa. Cục Hàng hải và Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam đã cấp phép cho cảng Phú Hữu hoạt động nhưng đến nay chưa có doanh nghiệp nào đến với cảng chỉ vì chưa có đường vào cảng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cảng Phú Hữu xây xong nhưng không khai thác được, cho thấy việc đầu tư xây cảng không có hiệu quả. Vấn đề ở đây là thiếu tính đồng bộ trong việc thực hiện các dự án đầu tư ban đầu mà không có hệ thống giao thông đường bộ kết nối. Phía cảng cho rằng, trong các quyết định phê duyệt quy hoạch nhóm cảng biển số 5 (TPHCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu), cấp thẩm quyền quy định ngân sách trung ương hoặc địa phương chịu trách nhiệm đầu tư hạ tầng (đường, điện, nước) đến cổng cảng. Hơn nữa không thể giao nhà đầu tư cảng bỏ vốn đầu tư hạ tầng vì đây là công trình công cộng... TP yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị thi công cần phải quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công hệ thống giao thông kết nối, nhất là tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, để nhanh chóng đưa cảng vào hoạt động.

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục