
Năm qua, gần 12 triệu ca làm đẹp được thực hiện tại Mỹ. Trong đó, hơn 80% được thực hiện bằng các công nghệ không phẫu thuật. Gần đây, việc xóa các nếp nhăn, giải quyết vấn đề da chảy xệ… không nhất thiết phải cần đến dao mổ, mà Laser đã trở thành một công nghệ mang tính “thời sự” để giải quyết các yêu cầu làm đẹp này.

Công nghệ Laser bắt đầu ứng dụng trong lĩnh vực thẩm mỹ từ những năm 1990. Từ đó đến nay các nhà khoa học và các bác sĩ liên tục phối hợp nghiên cứu mở rộng ứng dụng công nghệ mới này trong mọi lĩnh vực làm đẹp.
Trong đó, bên cạnh các tính năng xóa gân máu nổi trên da cũng như triệt lông hiệu quả lâu dài, vừa qua, thiết bị Laser YAG bước sóng 1064 nm xung dài (Long Pulsed Nd-YAG) đã được FDA (Tổ chức Quản lý Thực phẩm và Thuốc của Chính phủ Mỹ) kiểm tra và công nhận có hiệu quả thật sự trong việc làm căng da mặt (Skin Tightening)- là bước tiến mới sau các công nghệ căng da mặt bằng phẫu thuật và bằng chỉ.
Đặc điểm của loại Laser này là có công suất cực đại (600 J/cm2 - mạnh nhất trong các loại Laser YAG hiện tại).
Khi chiếu vào da, tia Laser YAG đưa năng lượng Laser đi xuyên qua da, vào tận lớp bì, tác động mạnh mẽ và kích thích nguyên bào sợi tăng sinh collagen (là lớp nền của da), tăng sợi đàn hồi và các protein khác, từ đó sẽ làm đầy lớp bên dưới của da, làm da co lại, săn chắc hơn, da căng hơn, các vết nhăn mờ dần sau vài tuần…
Ngoài ra, thiết bị này còn kèm hệ thống computer để điều khiển bộ phận xịt khí lạnh, đưa nhiệt độ bề mặt da xuống 00C nhằm bảo vệ lớp da trên bề mặt không bị tổn thương. Sau khi chiếu Laser, khách hàng có thể sinh hoạt và làm việc bình thường. Mỗi loạt trị liệu thường cần 4 – 6 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 1 tháng.
Công nghệ này có thể được dùng làm căng da cho nhiều vùng cơ thể khác nhau (mặt, cổ…).Ngoài ra, có thể làm giảm sẹo lõm của mụn trứng cá, giảm vết rạn da, làm giảm da chùng sau hút mỡ ở vùng tay, chân, đùi, nhất là vùng bụng…
MỸ TÚ