Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc - Tăng sức mạnh cho ĐBSCL cất cánh

Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc - Tăng sức mạnh cho ĐBSCL cất cánh

Theo kế hoạch, Cảng HK Quốc tế Phú Quốc sẽ chính thức khánh thành vào ngày 15/12/2012 tới đây. Và khi đi vào khai thác “Cảng HKQT Phú Quốc sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện của Phú Quốc, của Kiên Giang, của cả vùng và cả nước, đóng góp không chỉ cho lĩnh vực kinh tế mà còn tăng cường sức mạnh phòng thủ của quốc gia, đồng thời  giúp cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) kết nối trực tiếp với các thành phố trong khu vực châu Á để cất cánh bay xa” – như lời Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu tại lễ khởi công.

Phú Quốc – Hòn đảo lớn nhất Việt Nam, cùng với 22 đảo nhỏ ở xung quanh tạo thành huyện đảo Phú Quốc, trực thuộc tỉnh Kiên Giang, diện tích khoảng 593km², Phú Quốc nằm trong vịnh Thái Lan cách thành phố Rạch Giá 120km, cách thị xã Hà Tiên 45km. Đây là huyện đảo có diện tích và dân số lớn nhất trong 12 huyện đảo của nước ta, diện tích tương đương Singapore, có tiềm năng và lợi thế phát triển rất đa dạng.

Theo số liệu thống kê mới nhất cho thấy, trong những năm gần đây, hệ số ghế trung bình trên các chuyến bay đến Phú Quốc luôn chiếm trên 90%, trong đó hơn 70% là khách du lịch trong và ngoài nước, còn lại là khách doanh nhân tìm kiếm cơ hội đầu tư và người dân đảo.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội huyện đảo, ngày 10-11-2008, Thủ Tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1608/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch Cảng HKQT Phú Quốc giai đoạn 2020 định hướng 2030. Theo đó, Cảng HKQT Phú Quốc là cửa ngõ thông thương của kinh tế quốc tế của đảo ngọc Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang và khu vực biên giới biển đảo phía Nam. Do đó Cảng HKQT Phú Quốc có mối quan hệ chặt chẽ, tương hỗ với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, vùng biển đảo phía Nam, đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày 23-11-2008 Cảng HKQT Phú Quốc đã được chính thức khởi công.  Đây là dự án cảng hàng không quốc tế đầu tiên được triển khai tại Việt Nam theo hình thức 100% vốn đầu tư của Tổng Công ty Cảng Hàng không miền Nam trước đây (nay là Tổng Công ty Cảng Hàng không VN) nhằm đón đầu thị trường khi Phú Quốc trở thành đặc khu hành chính, du lịch, trung tâm tài chính ngân hàng và đầu mối giao thông quan trọng giao thương quốc gia, quốc tế. Cảng HKQT Phú Quốc có vị trí quan trọng nhất định trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cũng như cả nước ta.

Cảng HKQT Phú Quốc được xây dựng tại xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với tổng diện tích hơn 900ha, với hệ thống sân đường được xây dựng đồng bộ: đường cất - hạ cánh kích thước 3.000 x 45m; 08 đường lăn, sân đỗ với 8 vị trí đỗ máy bay, nhà ga hàng hóa; trang thiết bị dẫn đường: Đài kiểm soát không lưu, ra-đa, hệ thống đèn tín hiệu theo tiêu chuẩn ICAO, hệ thống đèn chiếu sáng... Và các công trình phụ trợ: hệ thống thoát nước; hệ thống đường giao thông; cầu cạn, sân đỗ ô tô; hệ thống đèn tín hiệu theo tiêu chuẩn ICAO, hạ tầng kỹ thuật: mạng điện, thông tin liên lạc, hệ thống cấp nước, khí gas; xử lý nước thải…

Nhà ga hành khách có diện tích sàn 24.325m², bố trí theo 02 cao trình khai thác quốc tế và quốc nội, đáp ứng khoảng 4 triệu hành khách/năm, công suất đạt 1.400-1.500 hành khách/giờ cao điểm; ga quốc tế được bố trí ở nửa phía Đông, nhà ga nội địa được bố trí ở nửa phía Tây.

Theo Cục Hàng không VN, Cảng HKQT Phú Quốc là Cảng HK cấp 4E theo tiêu chuẩn của Tổ chức HKDD thế giới ICAO, đáp ứng hoạt động của các loại máy bay hiện đại như  Boeing 747-400 và tương đương; quy trình khai thác hàng không được áp dụng tiêu chuẩn tính toán mức C (Level of service C) theo phân mức tiêu chuẩn phục vụ hành khách của IATA, giúp bảo đảm tuân thủ các qui định quốc tế nhưng vẫn mang lại sự thoải mái, thuận lợi và tiện nghi cho hành khách.

Lãnh đạo Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, tổng công ty hiện đang tích cực tập trung hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển đảo Phú Quốc mà Chính phủ đã đề ra: Tập trung xây dựng và phát triển đảo Phú Quốc theo một kế hoạch và bước đi thích hợp thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giao thương quốc tế lớn, hiện đại của vùng đồng bằng sông Cửu Long, phía Tây Nam đất nước và từng bước hình thành một trung tâm du lịch, giao thương mang tầm cỡ khu vực, quốc tế, trong đó giao thông hàng không là yếu tố được kỳ vọng sẽ đem lại sự thay đổi ấn tượng cho Phú Quốc trong tương lai. 

Theo kế hoạch, Cảng HKQT Phú Quốc sẽ chính thức khánh thành ngày 15-12-2012 tới đây. Và khi đi vào khai thác “Cảng HKQT Phú Quốc sẽ góp phần quan trọng vào sự  phát triển toàn diện của Phú Quốc, của Kiên Giang, của cả vùng và cả nước, đóng góp không chỉ cho lĩnh vực kinh tế mà còn tăng cường sức mạnh phòng thủ của quốc gia. Cảng HKQT Phú Quốc sẽ giúp vùng đồng bằng sông Cửu Long kết nối trực tiếp với các thành phố trong khu vực châu Á để cất cánh bay xa” – như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu tại lễ khởi công.

Nguyễn Thu Tuyết

Tin cùng chuyên mục