Lại thêm một mùa thi. Một bạn đồng nghiệp cười méo mó kể rằng thằng cháu đích tôn của anh học ngày, học đêm và đã chuẩn bị “lều chõng” đi thi từ… cách nay 2 năm. Nghĩa là thi ngày hôm nay bắt đầu từ ngày hôm qua và hôm qua nữa. Đến mức, có cảm giác là cuộc sống trôi qua gói gọn trong một chữ thi, thi và thi… Hết thi đầu cấp lớp 1, lớp 6, lớp 10 đến thi tú tài và thi đại học. Để rồi thi xong cũng không biết thi để làm gì và thi có tạo dựng được một nghề nghiệp khả dĩ sống được với đời.
Như thế, câu hỏi: có nhất thiết phải thi và thi có đánh giá được thực chất chất lượng đào tạo hay không – vẫn cứ là câu hỏi bị “treo” từ nhiều năm nay. Năm ngoái, Bộ GD-ĐT sau nhiều lần trưng cầu ý kiến các chuyên gia, các tổ chức xã hội và người dân đã công bố dự định sang năm 2011 sẽ thực hiện thi “2 trong 1”, lấy kết quả cuộc thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học. Ý tưởng này xuất phát từ một nhận thức chính xác là phải giảm thiểu các kỳ thi nhằm tránh lãng phí và sự căng thẳng xã hội không đáng có, rất tiếc, vẫn chưa tạo được sự đồng thuận chung. Phía phản đối cho rằng giáo dục phổ thông của chúng ta “có vấn đề về chất lượng” nên không thể áp dụng kết quả của cuộc thi tốt nghiệp cho công tác tuyển sinh đại học.
Phải nói là họ cũng có lý khi đưa ra lập luận phản bác là không thể kiểm chứng chất lượng “đầu vào” qua gói đề rất khó ra với yêu cầu phải mang tính chất phân loại cao. Thuộc số này, các trường đại học “top” trên đề xuất chỉ thi đại học để không kéo giảm chất lượng và nên bỏ thi tốt nghiệp THPT vì “mắc mớ gì học hết lớp 12 mà không có tờ giấy chứng nhận lận lưng”.
Nhưng với quan điểm khác, các trường “top” dưới, nhất là các trường đại học ngoài công lập, các trường cao đẳng và trường nghề lại thích chỉ thi tốt nghiệp THPT để tránh “điểm sàn” và dễ dàng lựa chọn người theo học. Như thế có thể thấy rõ sự nhất trí chung về “gốc” một kỳ thi nhưng khác biệt về “nhánh” thi. Song còn một con đường thứ ba để lựa chọn là giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục thì dường như… cơ quan chủ quản – Bộ GD-ĐT – lại không mấy tán đồng.
Phải chăng Bộ GD-ĐT sợ tiêu cực trong khâu tuyển sinh hoặc giả sợ giao “quyền” cho dưới thì sẽ không còn ai “sợ” trên nữa? Những lo ngại như vậy cũng không thừa. Song trong sự phát triển chung của đất nước và sự hòa nhập về tri thức với thế giới, cách suy nghĩ này phải nói là còn bất cập, không đáp ứng tinh thần cuộc vận động “hai không” đã thực hiện từ mấy năm nay.
Với sự nhùng nhằng này, mùa thi năm nay cũng vẫn giống với các năm trước khi hình thức át nội dung, khi cái “riêng” vẫn đè nát cái “chung” và việc giảm tải áp lực thi cử vẫn mãi là khẩu hiệu chung. Và cũng như mọi lần, có thi là có những xáo trộn xã hội, có ách tắc giao thông, có quầng thâm mệt mỏi trên khuôn mặt phụ huynh, có lời khuyên con ơi cả đời có một ngày thi con nên hết sức tỉnh táo đọc kỹ đề trước khi đặt bút làm bài…
Đúng là càng thi lại càng lo… lỡ có gì thì tương lai con sẽ ra sao? Và rõ ràng việc cải tiến cách thi cử và giảm tải chương trình học là hết sức cấp bách, cần sự nỗ lực và đồng thuận chung.
Bích An