Cảnh báo phía sau số liệu đẹp

Số liệu mới nhất của Bộ KH-ĐT công bố cho biết, tính chung 9 tháng đầu năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt gần 120,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014 và đạt 73,2% kế hoạch năm; có hơn 68.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký đạt gần 421.000 tỷ đồng.

Số liệu mới nhất của Bộ KH-ĐT công bố cho biết, tính chung 9 tháng đầu năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt gần 120,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014 và đạt 73,2% kế hoạch năm; có hơn 68.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký đạt gần 421.000 tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động giảm 0,9% (gần 7.000 doanh nghiệp) và trong số 47.604 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động có 12.848  doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước…

Đây là những số liệu cho thấy tín hiệu tốt của nền kinh tế mở ra triển vọng đầu tư, kinh doanh. Theo dự báo của Bộ KH-ĐT, số lượng doanh nghiệp đăng ký, thành lập mới cả năm nay có thể đạt khoảng 85.000 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký khoảng 527.000 tỷ đồng, tăng 13,6% về số lượng doanh nghiệp và tăng 22% về quy mô vốn so với năm trước. Tuy vậy, tình hình kinh tế có thật sự “khả quan”, “khởi sắc” còn có độ vênh lớn trong các nhận định.

Phân tích các chỉ số tổng kim ngạch xuất khẩu (120,7 tỷ USD) và nhập khẩu (124,6 tỷ USD), 9 tháng qua nước ta đã nhập siêu 3,9 tỷ USD. Điều đáng nói, khu vực FDI tiếp tục xuất siêu (8,8 tỷ USD - không kể dầu thô), trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước tiếp tục nhập siêu (15,8 tỷ USD). Các chuyên gia lo ngại nếu tình hình này không được cải thiện, nhập siêu sẽ là một mối đe dọa, tạo sức ép căng thẳng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Điều đáng nói, việc tăng trưởng xuất khẩu phụ thuộc khá lớn vào sản phẩm của các doanh nghiệp FDI còn doanh nghiệp trong nước tăng trưởng ở mức thấp; đáng lo ngại nhất là nhóm hàng nông lâm thủy sản giảm tới 9,9%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, cao su, thủy sản đều giảm sút mạnh cả về kim ngạch xuất khẩu, giá trị và thị phần.

Quan điểm, chính sách kinh tế của Nhà nước là “quán triệt đường lối độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Xem nội lực là yếu tố quyết định, ngoại lực là yếu tố quan trọng”. Và thực tế tính từ dấu mốc năm 2007, khi nước ta gia nhập WTO, làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài đã bùng nổ: Năm 1997, vốn đăng ký FDI là 21,3 tỷ USD, gấp 1,78 lần so với năm trước; năm 2008 lên đến 71,7 tỷ USD. Quy mô khu vực FDI được mở rộng nhanh chóng, là nguồn vốn quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, trở thành nguồn lực quan trọng kích hoạt tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời kỳ hậu WTO. Tuy nhiên, càng hội nhập sâu, các mặt trái của FDI càng bộc lộ rõ.

Trước nhất, khảo sát của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, cho thấy chất lượng của đầu tư trực tiếp tại Việt Nam là vấn đề rất đáng quan tâm. Bởi lẽ các doanh nghiệp chủ yếu là gia công, chế biến; tác động của FDI trong việc nâng cao trình độ công nghệ ở nước ta chưa rõ nét. Điều nghịch lý là khu vực FDI có tốc độ tăng vốn nhanh nhất, liên tục mở rộng đầu tư nhưng có đến 60% doanh nghiệp khai lỗ kéo dài, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn. Hoạt động chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại trở nên phổ biến. Kết quả thanh tra của ngành thuế trên cả nước (năm 2013) cho thấy trong số 870 doanh nghiệp FDI được kiểm tra thì có tới 720 doanh nghiệp vi phạm trốn thuế. Số tiền truy thu thuế tại doanh nghiệp FDI hiện chiếm 40% tổng số truy thu thuế của cả nước.

Nhìn vào thực trạng nền kinh tế có thể nói các doanh nghiệp FDI đã âm thầm “đi tắt đón đầu” rất tốt trong hội nhập. Giá trị xuất khẩu của khu vực này giai đoạn 2007 - 2014 là 56,06 tỷ USD, chiếm 61% tổng giá trị xuất khẩu cả nước; trong khi bình quân giai đoạn trước chỉ khoảng 13,48 tỷ USD. Năm 2014, xuất khẩu khu vực FDI tăng vọt lên 93,96 tỷ USD, chiếm 62,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Với quy mô chỉ một doanh nghiệp, Samsung năm nay dự kiến sẽ xuất khẩu 30 tỷ USD. Vậy ta có nên nhận vơ đó là thành tích xuất khẩu của Việt Nam? Điều đáng suy nghĩ là xuất khẩu chủ yếu tăng trưởng ở các nhóm hàng do FDI sản xuất, là những mặt hàng dựa vào nguồn lao động rẻ và gia công hơn là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Ngay cả Samsung làm ra sản phẩm ở Việt Nam, giá trị gia tăng ở Việt Nam cũng thấp, khi bán ra một chiếc điện thoại, Việt Nam chỉ được hưởng khoảng 10USD!

Nguy cơ thâm hụt cán cân thương mại do nhập siêu tăng mạnh và nguy cơ nền kinh tế lệ thuộc vào FDI ngày càng bộc lộ rõ, đòi hỏi cần có giải pháp hóa giải. Đó là thực sự tập trung hỗ trợ, vực dậy khối sản xuất trong nước; phải tham gia cho được vào chuỗi xuất khẩu và cung ứng hàng hóa toàn cầu một cách vững chắc thay vì chỉ làm ăn với các thị trường gần, thị trường truyền thống khi cơ hội hội nhập ngày càng mở rộng; giảm dần ưu đãi tràn lan đối với các doanh nghiệp nước ngoài, gây bất bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước. Đã đến lúc người Việt, doanh nghiệp Việt phải thật sự đứng trên đôi chân của mình. Bởi lẽ, như một nhận xét thẳng thắn của Ngân hàng Thế giới trong một báo cáo mới đây: Hoạt động FDI vào Việt Nam có xu hướng vận hành một cách khép kín, tạo ra rất ít hy vọng về chuyển giao công nghệ hoặc hiệu ứng lan tỏa tới các doanh nghiệp trong nước!

LÊ TIỀN TUYẾN

Tin cùng chuyên mục