Cánh diều - giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam được xem là một trong những giải thưởng điện ảnh danh giá ở nước ta, thậm chí nhiều người còn ví đây là giải thưởng Oscar của điện ảnh Việt. Trên lý thuyết là vậy, nhưng thực tế câu chuyện về giải Cánh diều ở thời điểm này có lẽ cũng không khác nhiều so với thực trạng của điện ảnh Việt khi buồn nhiều hơn vui.
Năm nay, giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam có thay đổi, thay vì tổ chức vào dịp 15-3 nhân kỷ niệm Ngày Điện ảnh, giải thưởng Cánh diều lùi lại gần một tháng và dự kiến lễ trao giải sẽ tổ chức vào tối 20-4 tại Cung Hữu nghị, Hà Nội. Trước sự thay đổi ấy, lãnh đạo của hội có lên tiếng giải thích về sự bất thường này là do các đơn vị đăng ký phim gửi không đúng thời hạn, do bận tổng kết năm, do nghỉ Tết Nguyên đán, nên ban tổ chức phải nới rộng thời hạn nhận phim sát ngày trao giải. Lúc đó, số lượng phim mới “chốt” được và do ban giám khảo phải mất nhiều thời gian để chấm... Song có một lý do tuy không nói ra nhưng ai cũng biết, đó là sự đón nhận kém mặn mà của người làm điện ảnh với giải thưởng này.
Cách đây 13 năm, vào năm 2003, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam lúc đó là TS Trần Luân Kim đã quyết định tổ chức lễ trao giải Cánh diều theo mô hình giải “Oscar Việt Nam” thay cho việc trao giải nội bộ như các hội văn học nghệ thuật khác. Khỏi phải nói tâm trạng và không khí làng điện ảnh lúc đó đã náo nức thế nào. Ai cũng kỳ vọng đây sẽ là một cú hích để điện ảnh Việt Nam phát triển, khơi dậy tình yêu của nghệ sĩ với nghề. Ý tưởng ban đầu của Hội Điện ảnh Việt Nam là hợp lý. Tuy nhiên, 13 năm đã qua, thay vì đi dần vào chuyên nghiệp thì Cánh diều lại ngày càng phô bày một sự luộm thuộm trong công tác tổ chức. Có những mùa, phim chưa hề ra rạp vẫn được trao giải, phim nghệ thuật và phim thương mại cùng chung một tiêu chí, số lượng phim thì ít nhưng giải vẫn nhiều… là những lý do khiến giải mất sức hút. Trong khi Liên hoan phim Việt Nam tổ chức định kỳ 2 năm/lần mà đôi lúc ban tổ chức còn đau đầu vì thiếu phim dự giải, thì việc tổ chức Cánh diều mỗi năm một lần trong điều kiện phim Việt èo uột, năm được mùa, năm mất mùa đã khiến cho giải thưởng này tạo cảm giác phải “vơ bèo vạt tép” để có đủ số lượng phim.
Nhìn vào danh sách phim truyện điện ảnh dự giải, khán giả sẽ thấy phim thương mại vẫn chiếm phần áp đảo. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng phim dự giải như sau: 19 phim truyện, 22 phim truyền hình, 37 phim tài liệu... Không những thế, năm nay, lại một lần nữa các tác phẩm có kịch bản được Việt hóa lại nằm ngoài cuộc chơi. Cũng rất có lý khi cho rằng không chấp nhận các tác phẩm “ngoại lai” chính là cách để khuyến khích, phát triển nội lực của ngành điện ảnh nhưng tại thời điểm này, khi mà xu hướng sử dụng kịch bản được Việt hóa đang là một trào lưu được ưa chuộng thì quy định này phải chăng lại làm cho sắc màu của sân chơi điện ảnh trong nước dường như không được trọn vẹn. Không chỉ thế, sự vắng bóng của những dự án làm phim độc lập dù rất phong phú và gặt hái thành công ở những liên hoan phim quốc tế, thu hút sự chú ý của khán giả trong nước như “Cha, con và…” (đạo diễn Phan Đăng Di), “Một thành phố khác” (nhà làm phim Phạm Ngọc Lân)… tại mùa giải này cũng làm cho sân chơi điện ảnh trong nước lại một lần nữa bị co hẹp lại.
Tại thời điểm này, liệu có còn hợp lý khi giải Cánh diều vẫn tiếp tục đặt ra nhiều tiêu chí chấm giải thiếu tính thuyết phục, khó thu hút được sự hưởng ứng của người làm nghề? Cần phải thay đổi quan điểm khi cho rằng lễ trao giải Cánh diều chỉ mang tính chất lễ tổng kết sau một năm, ghi nhận thành tích của các hội viên, vinh danh những bộ phim có sự sáng tạo về mặt nghệ thuật, thông qua đó quảng bá cho điện ảnh Việt…
Giải thưởng Cánh diều - đúng về bản chất của nó - phải là một giải thưởng góp phần tạo động lực cho những nhà làm phim và hình thành xu thế điện ảnh của nước nhà. Chỉ có như thế, Cánh diều mới thực sự có sức nặng.
MAI AN