Cánh diều ngược gió

Cánh diều ngược gió

Từ một tổ thi công ban đầu với con số vài chục người, đến nay Tổng Công ty Hòa Bình đã có trong tay 217 nhân viên, trong đó 140 đã tốt nghiệp đại học cùng với gần 1.000 công nhân có tay nghề và ngày càng đảm đương nhiều công trình trọng yếu…

  • Không chịu đứng ngoài cuộc

Năm 1985 tốt nghiệp Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh, Lê Viết Hải được nhận về một công ty thuộc Sở Nhà đất TPHCM. Ở đây, anh đã có được những bài học đầu tiên về sự phức tạp khó khăn của nghề xây dựng. Và, cũng chính từ đây anh đã nhận công trình đầu tiên cho mình. Anh một mình làm kiêm đủ thứ từ hợp đồng, thiết kế, dự toán, vật tư đến thi công v.v… Từ những vất vả ban đầu ấy, Lê Viết Hải đã tạo được sự vững chắc cho công việc quản lý sau này.

Cánh diều ngược gió ảnh 1

Anh Lê Viết Hải (phải) trước công trình tháp truyền hình Bình Dương.

Năm 1987 một đội thi công do anh tập hợp ra đời. Đây là thời gian Lê Viết Hải xây dựng lực lượng, tích lũy kinh nghiệm và tạo dựng nền móng cho uy tín của công ty mà anh phụ trách trong tương lai.

Từ năm 1995 anh đã lặng lẽ chuẩn bị nhân lực, tăng cường tiềm lực, nâng cao chất lượng và tích lũy vốn để rồi năm 2000, Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình do anh làm Tổng giám đốc ra đời. Điều thú vị là ông bà Chủ tịch danh dự Hội đồng quản trị của công ty không ai khác mà chính là song thân của Tổng Giám đốc Lê Viết Hải.

Không ít đơn vị của ngành xây dựng đã giải thể, tan rã vì nhiều lý do trong đó có sự yếu kém về quản lý và tay nghề… thì Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình không những trụ vững và ngày càng phát triển về đẳng cấp và danh tiếng.

Từ một nhà thầu phụ chỉ được nhà thầu chính giao từng phần việc của những công trình đầu tư nước ngoài, tới nay công ty đã được giao thầu chính cả những công trình có quy mô lớn như công trình Food Center Saigon, Văn phòng cho thuê Tecasin, Thuận Kiều Plaza, Nhà máy nước ép trái cây Delta Long An, Saigon Sky Garden Apartments, Stamford Court, Riverside Apartments, Legend Hotel, Melinh Point Tower, Sheraton Plaza, Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Cao ốc căn hộ Mỹ Viên, Cao ốc Nha khoa Thế giới mới v.v…

Từ một căn nhà ở của tư nhân tới những khu phố, khu biệt thự Mỹ Hưng, Mỹ Thái II tại đô thị mới Nam Sài Gòn và khu dân cư Bình Hòa, ở nơi nào Công ty Hòa Bình cũng để lại dấu ấn riêng biệt của mình. Đó là vẻ đẹp và sự bền vững. Đó là sự đáp ứng về tiện ích và cái đích là sự tín nhiệm và uy tín đối với khách hàng.

Có được những điều đó trước hết là do Công ty Hòa Bình đã biết dung hòa giữa lợi nhuận hợp lý của công ty và lợi ích của khách hàng. Hơn nữa, bản thân công ty còn đầu tư xây dựng cho mình những xưởng nhôm kính, xưởng mộc, xưởng sơn đá v.v… để chủ động nguồn vật liệu và hạ giá thành cho công trình. Với những nỗ lực đó, Hòa Bình đã không đứng ngoài cuộc trong các công trình xây dựng có tầm cỡ trên quê hương mình đồng thời luôn nỗ lực tìm kiếm những giải pháp tối ưu giữa việc thỏa mãn những yêu cầu của khách hàng và việc bảo đảm những nguyên lý thiết kế, những tiêu chuẩn, quy phạm xây dựng.

Cùng với những giải pháp như vậy, Công ty Hòa Bình đã kết hợp hài hòa giữa lợi nhuận hợp lý của mình với lợi ích của cán bộ công nhân viên và lợi tức thỏa đáng cho các cổ đông, đồng thời góp sức cho đất nước trên bước đường phát triển.

  • Khởi đầu từ truyền thống gia đình

Tham gia cuộc xuống đường tranh đấu của phật tử, cha của Lê Viết Hải bị chính quyền Sài Gòn trục xuất khỏi Huế. Năm 1967, ông bà đành dắt díu 11 người con vào Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Năm đó Hải mới tròn 9 tuổi. Sau đó là những năm tháng đầy chật vật của gia đình anh. Trong 11 anh chị em mới có một người chị tốt nghiệp đại học sư phạm đã ra dạy học. Một người chị nữa sắp tốt nghiệp. Chín anh chị em còn lại đều đang tuổi cắp sách tới trường.

Mặc dù vậy, bố mẹ Hải vẫn kiên trì làm đủ thứ việc để nuôi các con ăn học. Hơn ai hết người cha hiểu rõ chân giá trị của sự học. Bởi chính ông đã từng là hiệu trưởng Trường Bồ Đề của Huế. Không còn được dạy học ông phải tìm mọi cách để các con được học. Chính ý chí như vậy của đấng sinh thành đã tạo dựng nhân cách cho các con sau này.

Tôi đặt vấn đề với Tổng giám đốc Lê Viết Hải về những vụ việc gây tai tiếng gần đây ở một tổng công ty xây dựng khác như vụ rút bớt hàng tấn thép của mỗi cọc móng khu chung cư. Anh cho rằng ban giám đốc tổng công ty cấp trên ở đó chắc chắn không chỉ đạo làm như vậy. Có thể do đơn vị thi công đã tự ý làm. Lỗi là do tổng công ty đã giao khoán trắng cho họ mà không kiểm tra, giám sát. Riêng với Tổng công ty Hòa Bình không có chuyện khoán trắng mà không kiểm tra, giám sát như vậy. Bởi từ năm 2001 tổng công ty đã đón nhận chứng chỉ ISO 9001:2000 cho hệ thống quản lý chất lượng của mình.

Tổng công ty không chỉ giám sát chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên mà còn sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, rủi ro do nguyên nhân khách quan mang lại cho họ. Do vậy mối quan hệ giữa tổng công ty với các nhà thầu phụ, các xưởng vệ tinh luôn gắn bó mật thiết, tin tưởng lẫn nhau để cùng nhau hoàn thành tốt công trình. Bởi đó là đạo đức kinh doanh. Nếu coi thường chất lượng công trình chính là bán rẻ uy tín của chính mình. Và hơn nữa chính chất lượng công trình sẽ “gọi tiếp” công trình.

Những điều trên đã được minh chứng trải qua từng năm xây dựng và phát triển của Tổng công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình với những giải thưởng trong nước và quốc tế: Bằng khen của Bộ Thủy sản về Công trình Cảng cá Cát Lở - Vũng Tàu năm 1996; Huy chương vàng chất lượng cao của Bộ Xây dựng về Công trình khách sạn Tân Sơn Nhất năm 1998; đón nhận giải thưởng Thiên niên kỷ Madrid Tây Ban Nha và giải thưởng “Diamond eve” tại Berlin – CHLB Đức năm 2004; giải thưởng “Platinium Technology” dành cho các đơn vị đạt tiêu chuẩn về sản phẩm chất lượng cao và thương hiệu tuyệt hảo năm 2005, lễ trao giải đã được tổ chức tại Paris, Pháp…

“…Đường càng nhiều gian khó
Càng cố gắng vượt nhanh
Càng thêm bước trưởng thành
Kìa cánh diều ngược gió
Lượn bay giữa trời xanh
Gió càng to càng mạnh
Cánh diều bay nhanh
càng nhanh…”

Đó chính là một phần lời của bài hát “Cánh diều ngược gió” do chính Tổng giám đốc Lê Viết Hải sáng tác. Thêm điều thú vị bất ngờ tôi được biết, anh chính là cháu ruột của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên tác giả bài “Trăng mờ bên suối”, bài hát mà tôi yêu thích từ thời trai trẻ. Lê Viết Hải đã hát cho tôi nghe bài này và tôi nghĩ đó là lời tâm tình của chính anh về con đường phát triển ở tổng công ty này… 

LÊ ĐIỆP

 

Tin cùng chuyên mục