Cảnh giác với những cái bẫy trong quan hệ thương mại quốc tế

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa luôn được Đảng ta qua nhiều kỳ đại hội xác định là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Công cuộc này gắn với chiến lược xây dựng nền sản xuất công nghiệp dựa trên cơ sở của những thế mạnh ngành nghề trong nước để chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa gắn với hiện đại hóa.
Ảnh minh họa: Doanh nghiệp Việt Nam chế biến nông sản xuất khẩu
Ảnh minh họa: Doanh nghiệp Việt Nam chế biến nông sản xuất khẩu

Ở nước ta, thế mạnh trong sản xuất công nghiệp là các ngành công nghiệp nhẹ như diệt may, chế biến lương thực, thực phẩm, thủy hải sản… Trong cơ cấu công nghiệp nước ta, tỉ trọng ngành công nghiệp chế biến tăng và chiếm tỉ trọng lớn nhất chủ yếu vì thị trường tiêu thụ rộng lớn và có nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú. Tuy vậy, trong những năm gần đây khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường kinh tế thế giới, bên cạnh những lợi ích trong xuất khẩu sản phẩm, các doanh nghiệp và sản xuất công nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn ngoài việc phải cạnh tranh gay gắt với của các nhà sản xuất nước ngoài. 

Cạnh tranh lành mạnh với nhà xuất sản xuất nước ngoài tạo áp lực để các nhà sản xuất trong nước nâng cao năng lực trong nâng cao năng suất, cải tiến mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, trong quan hệ thương mại quốc tế cũng có không ít những “chiêu trò”, cạnh tranh thiếu lành mạnh với toan tính phá hoại nền sản xuất trong nước và bóp chết các doanh nghiệp sản xuất trong nước nếu nhà nước không có những biện pháp bảo vệ phù hợp. 

Trong những năm vừa qua, hàng loạt các vụ việc xảy ra liên quan đến các ngành nghề khác nhau như mía đường, thép, phân bón, sản phẩm sợi… hay gần đây là sản phẩm sorbitol… mà Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương đã có những biện pháp tự vệ thương mại kịp thời với các hàng hóa bán phá giá ở thị trường Việt Nam, gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước theo quy định tại khoản 5, điều 4, Luật thuế xuất nhập khẩu. 

Việc áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại hợp lý sẽ góp phần thiết thực bảo vệ và phát triển nền sản xuất trong nước, nhất là công nghiệp chế biến sâu về nông sản. Nước ta có lợi thế lớn về công nghiệp thực phẩm vì có nền nông nghiệp tương đối phát triển tạo ra nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú, đa dạng. Phát triển sản xuất, chế biến trong nước không chỉ giúp chúng ta chủ động đáp ứng như cầu của thị trường trong nước mà còn làm tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu thay vì xuất khẩu các mặt hàng nông sản thô với giá trị thấp. Điều cần chú ý là hiện có không ít các doanh nghiệp thương mại trong nước vì lợi nhuận trước mắt cùng các nhà xuất khẩu tìm cách lách luật, tránh thuế chống bán phá giá làm tổn hại nghiêm trọng nên các nhà sản xuất trong nước, lộ rõ cả tính toán phá hoại công nghiệp chế biến nước nhà… mà hệ quả trước mắt là bóp chết các nhà sản xuất trong nước, từng bước thâu tóm thị trường để rồi tùy tiện tăng giá và về lâu dài phá hoại nền sản xuất nước ta. 

Việc áp thuế chống bán phá giá là khá phổ biến trong quan hệ kinh tế quốc tế và thực tế cho thấy nhiều quốc gia còn có cả những “biện pháp kỹ thuật” khác để xử lý và ngăn chặn các chiêu trò lách luật, tránh thuế đa dạng của các nhà xuất khẩu nước ngoài và doanh nghiệp thương mại, nhập khẩu trong nước. Học tập kinh nghiệm của các quốc gia khác trên thế giới về vấn đề đề này cũng là cách tránh phải trả đắt để có những bài học xương máu trong quan hệ thương mại. 

Trong giai đoạn hiện nay khi mà phần lớn sản xuất trong nước mới hình thành, còn non trẻ, sức cạnh tranh ban đầu thấp thì Cục Phòng vệ thương mại có vai trò quan trọng và càng phải quyết liệt hơn trong hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước, tránh nguy cơ có thể bị đè bẹp, dẫn đến phá sản và để lại nhiều hệ lụy do tổn hại nghiêm trọng của việc bán phá giá, tránh thuế và các chiêu trò cạnh tranh thiếu lành của các doanh nghiệp thương mại và nhà sản xuất nước ngoài.  

Bên cạnh đó, các cơ quan, ban ngành có liên quan ngoài việc tạo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng cần có các biện pháp truyền thông phù hợp để đưa hàng Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước, nâng cao ý thức “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” chung tay cùng doanh nghiệp sản xuất và người dân bảo vệ sản xuất hàng trong nước. 

TS. BÙI HẢI ĐĂNG
Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM

Tin cùng chuyên mục