Cạnh tranh chất lượng dịch vụ sát hạch lái xe

Theo quy hoạch mới được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt, lĩnh vực đào tạo và sát hạch lái xe sẽ được nâng chất hơn nữa từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Cạnh tranh chất lượng dịch vụ sát hạch lái xe

Theo quy hoạch mới được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt, lĩnh vực đào tạo và sát hạch lái xe sẽ được nâng chất hơn nữa từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

339 trung tâm đào tạo lái xe vào năm 2015

Tính đến nay, trên địa bàn TPHCM - đô thị lớn nhất nước hiện có 20 trung tâm sát hạch lái xe (TTSHLX), từ loại 1 đến loại 3, trong đó có 2 TTSHLX loại 1, 5 TTSHLX loại 2 và 13 TTSHLX loại 3. Theo định nghĩa trong ngành, TTSHLX loại 1 là nơi đảm trách sát hạch tất cả các loại bằng lái, TTSHLX loại 2 sát hạch bằng lái từ loại A1 đến C; còn TTSHLX loại 3 chỉ sát hạch bằng lái từ A1 đến A4.

Về số lượng là vậy, còn về phân bổ vị trí địa lý thì sao? Về vấn đề này, ông Võ Trọng Nhân, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc Sở GTVT TPHCM, nhận xét rằng sự phân bổ địa bàn của hệ thống các TTSHLX hiện nay xem như đã hợp lý vì đáp ứng và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở khắp thành phố khi có nhu cầu thi lấy bằng lái xe. Thật vậy, các TTSHLX trên địa bàn thành phố gần như hiện diện “trên từng cây số”, từ các quận trung tâm nội thành cho đến các quận mới và huyện ngoại thành, như huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, quận Tân Phú, quận 9, Thủ Đức… đều được “cài cắm” TTSHLX.

Theo phê duyệt quy hoạch mới nhất của Bộ GTVT, từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, các cơ sở đào tạo lái ô tô và TTSHLX cơ giới đường bộ tại TPHCM nói riêng và trên cả nước nói chung sẽ được quy hoạch theo mục tiêu nâng cấp để tăng quy mô, năng lực, lưu lượng hầu đáp ứng được nhu cầu đào tạo cũng như đầu tư xây dựng mới cơ sở đào tạo, TTSHLX theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo chất lượng. Trong tinh thần đó, các cơ sở lái xe mở mới phải có lưu lượng tối thiểu 300 học viên để xóa tình trạng nhỏ lẻ. Mục tiêu đến năm 2015, cả nước sẽ mở thêm 13 cơ sở mới để đạt 339 trung tâm đào tạo lái xe. Riêng Hà Nội và TPHCM được mở thêm 8 cơ sở, còn lại là tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Dương, Long An, Bạc Liêu, Tiền Giang. Bộ GTVT cũng cho phép mở mới 29 TTSHLX tại các khu vực còn thiếu để nâng tổng số trung tâm trên cả nước lên 130 đến năm 2020.

Quy hoạch xác định mục tiêu năm 2014 - 2015 đáp ứng nhu cầu đào tạo, sát hạch bình quân 566.000 giấy phép lái xe mỗi năm, giai đoạn 2015 - 2020 đáp ứng 597.000 giấy phép lái xe mỗi năm.

Cạnh tranh chất lượng dịch vụ sát hạch lái xe ảnh 1

Để cạnh tranh, TTSHLX có dáng dấp như một resort. Ảnh: TRUNG KHANH

Cạnh trạnh nên giống như… resort

Theo quy luật thị trường, khi có nhiều cơ sở hoạt động cùng một ngành nghề thì tất yếu sẽ có cạnh tranh, vấn đề là cạnh tranh như thế nào, có lành mạnh hay không. Lĩnh vực đào tạo và sát hạch lái xe cũng chịu ảnh hưởng quy luật ấy.

Ông Phạm Văn Diên, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Thành Công, tại xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TPHCM, nói rằng đúng là có sự cạnh tranh giữa các TTSHLX nhưng đó là sự cạnh tranh lành mạnh khi các TTSHLX đều hướng vào việc tạo dựng hình ảnh và ấn tượng tốt đẹp bằng chất lượng dịch vụ. Có cùng suy nghĩ ấy, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hồng của Trường Trung cấp nghề số 7 - đơn vị đảm trách một TTSHLX loại 3 thuộc loại hàng đầu thành phố nhận xét rằng cạnh tranh về giá thì có thể có nhưng đó là đối với các cơ sở đào tạo chứ các TTSHLX thì không bởi vì đối với các TTSHLX, điều quan trọng là cạnh tranh về chất lượng dịch vụ chứ không phải “đua” về giá.

Trên thực tế, với phương châm “cạnh tranh chất lượng dịch vụ” là cốt lõi, các TTSHLX càng về sau này càng được chăm chút, đầu tư mạnh, đặc biệt là đầu tư cho mảng xanh và tạo cảnh quan môi trường vì vậy một số TTSHLX càng lúc càng mang dáng dấp như một… khu resort. TTSHLX Hoàng Gia nằm trên địa bàn xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TPHCM là một dẫn chứng tiêu biểu. Khi bước vào TTSHLX Hoàng Gia, người ta cứ ngỡ đang ở khu du lịch Bình Quới. Quy mô khuôn viên TTSHLX loại 2 này rộng 4ha, trong đó 1/3 là diện tích cây xanh, thảm cỏ. Phần mảng xanh này được gieo trồng cách đây 5-6 năm nên bây giờ đã có bóng mát đủ để tạo cảnh quan thoải mái, dễ chịu cho người dân đến tập lái và dự thi sát hạch. Chủng loại cây xanh ở đây cũng khá đa dạng với các hàng cau, dừa, cây si, cây bằng, khế, xoài tím… Cái hay của trung tâm là mảng xanh nhiều nhưng không che khuất tầm nhìn của người tập lái hoặc thi sát hạch, trái lại vẫn đảm bảo thông thoáng theo tiêu chuẩn ngành đề ra. Giám đốc TTSHLX Hoàng Gia, ông Nguyễn Hoàng Long, cho biết thêm rằng khuôn viên dành cho luyện tập và thi sát hạch được bố trí theo nguyên tắc một chiều, từ đó không tạo ra cảm giác hỗn độn, xô bồ khi có cùng lúc nhiều người tham gia tập lái. Chưa hết, bên cạnh chú trọng mảng xanh, TTSHLX Hoàng Gia còn biết khai thác, bố trí hợp lý và khoa học các cụm không gian nuôi hơn 100 con thú thuộc một số loài, như khỉ, sóc, chim trĩ, gà sao, ngỗng, bồ câu…

Sự cạnh tranh lành mạnh giữa các TTSHLX suy cho cùng là điều tốt cho chính người dân - học viên lái xe.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục