Nếu như năm 2000, giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ chế biến là 219 triệu USD thì con số này dự kiến năm nay là 5,5 tỷ USD. Các doanh nghiệp chế biến gỗ chinh phục thành công thị trường Bắc Mỹ, Nhật Bản, các nước châu Âu, Canada, Australia… Nhờ đó, ngành chế biến gỗ đã có bước phát triển mạnh mẽ, không phải ngành nào cũng có được, vượt qua Malaysia trở thành nước chế biến gỗ số 1 khu vực Đông Nam Á, số 2 châu Á sau Trung Quốc và là nước có ngành chế biến gỗ lớn thứ 6 trên thế giới. Thế nhưng, trong 96,7 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu gỗ chế biến của 70 nước trên thế giới, con số mà ngành chế biến gỗ Việt Nam có được còn khiêm tốn. Với tiềm lực đó, nếu có chính sách, biện pháp phù hợp, kịp thời với chiến lược đúng đắn, ngành chế biến gỗ có thể đạt con số 15-20 tỷ USD trong hơn 1-2 thập niên tới. Có nhiều cơ sở để tin rằng, ngành chế biến gỗ hoàn toàn có thể trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn.
Do miệt mài đi “chinh phục” các nước nên trong một thời gian dài, các doanh nghiệp chế biến gỗ hầu như bỏ hẳn sân nhà cho các làng nghề và các sản phẩm từ Thái Lan, Singapore, Trung Quốc… xâm nhập ngày càng nhiều. Theo số liệu khảo sát do Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cung cấp, con số tiêu thụ nội địa các sản phẩm gỗ trước suy thoái kinh tế khoảng 2,7 tỷ USD, 2 năm nay suy giảm chỉ còn khoảng 1,7 tỷ USD. Nhận ra điều bất cập này, 3 năm qua, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) liên tục tổ chức Hội chợ Đồ gỗ và trang trí nội thất Việt Nam (Vifa Home) mà đối tượng nhắm đến là 90 triệu người tiêu dùng trong nước. Nhưng việc trở về “sân nhà” không phải là một cuộc dạo chơi mà thực sự là một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Theo Hawa, mấy năm nay, bên cạnh các doanh nghiệp chế biến gỗ từ Trung Quốc, Singapore đầu tư vào Việt Nam, còn có thêm nhà đầu tư Thái Lan cũng vào Việt Nam. Trong khi đó, Malaysia đã có kế hoạch và chiến lược nhằm lấy lại vị trí số 1 ở Đông Nam Á vào năm 2020 với kim ngạch chế biến gỗ đạt 17 tỷ USD trong bối cảnh mà Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP sắp thành hiện thực, nên đây có thể nói là cuộc chạy đua quyết liệt.
Theo Hawa, gặt hái thành công tại thị trường các nước, nhưng với sân nhà lại là “cuộc chiến” khác. Điều lo ngại chính là từ nội tại. Với TPP, các nước đang có những chiến lược rõ ràng, như Thái Lan có cả Ủy ban hội nhập ASEAN, các trường đại học Thái Lan đã có bộ môn dạy các ngôn ngữ ASEAN. Có thể nói, đây là sự đầu tư căn cơ tầm vĩ mô mà Thái Lan và các nước nhắm đến. Trong khi đó, với Việt Nam, tự thân các ngành thực hiện là chính. Mỗi ngành nghề phải tự giữ thị trường và thị phần thay vì có sự tiếp sức từ tầm chiến lược chung, trong đó, nhiều ngành cùng tham gia.
CÔNG PHIÊN