Cao Bằng, vững chãi vùng biên

Những cung đường trải dài, vươn cao đến từng bản làng biên giới là hình ảnh của một Cao Bằng năng động khi chuyển mình hội nhập, phát triển cùng cả nước. Cao Bằng đi lên, vững chãi hơn từ thế mạnh, bản sắc và của từng con người nơi đây.
Cao Bằng, vững chãi vùng biên

Những cung đường trải dài, vươn cao đến từng bản làng biên giới là hình ảnh của một Cao Bằng năng động khi chuyển mình hội nhập, phát triển cùng cả nước. Cao Bằng đi lên, vững chãi hơn từ thế mạnh, bản sắc và của từng con người nơi đây.

  • Ngỡ ngàng xứ núi

Bản Giốc, danh thắng Việt Nam, địa đầu phía Bắc đây rồi. Thác nằm lọt trong dãy núi đá vôi, càng đến gần càng mát lạnh. Từ độ cao hơn 53m, ba tầng thác nước xối xả đổ ập làm hơi nước trắng xóa bay ngang lưng chừng núi như dải lụa. Biên ải thật hùng vĩ. Phía dưới, thật lạ, dòng sông Quây Sơn, đường biên giới tự nhiên giữa hai nước Việt - Trung, nước lại phẳng lặng như mặt hồ với những chiếc mảng tre lững lờ mời gọi du khách. Ông Trần Huỳnh, một người lính từng có mặt trong cả ba cuộc chiến tranh giữ nước cùng đoàn cựu chiến binh Quảng Ninh nôn nóng thay nhau chụp hình bên cột mốc biên giới 836 được lát đá, tôn cao sát bờ Quây Sơn.

Bản Giốc hôm đó thật nhiều khách; nhiều đoàn tổ chức cắm lều, dựng trại ngay dưới chân thác. Ông Nông Đức Lai, 86 tuổi, là người đã từng làm cầu, che lán cho khách du lịch tại đây từ năm 1995 kể vanh vách lịch sử của “Đại sơn Việt Nam” (dãy núi to) trước mặt. Quây Sơn có nhiều cá lạ, quý nhất là cá trầm hương vây vàng như ngọc; Bản Giốc quyến rũ hơn rất nhiều khi nước lên, vào tháng 6 tháng 7; ngày thường cũng có gần 200 khách, lễ tết cả ngàn người…

Nhìn sang bên kia biên giới, toàn bộ đường lên núi, xuống bến bè được bê tông hóa, xe điện đưa đón khách, khu ăn uống, nghỉ dưỡng, lầu vọng cảnh... “Du lịch chính trị”, cụm từ lên đây mới được nghe nói. Sắp tới, những thửa ruộng dẫn xuống thác sẽ được trồng hoa, có khu nghỉ dưỡng cao cấp thác Bản Giốc, tiêu chuẩn 4 sao. Và cả vành đai biên giới cũng sôi động hơn với nhiều dự án du lịch.

Hùng vĩ thác Bản Giốc.

Hùng vĩ thác Bản Giốc.

Du khách phải đi bộ và leo núi gần 2km để đến động Ngườm Ngao (hang Hổ) kế bên Bản Giốc. Thuyết minh viên Hoàng Thị Thúy, người Tày, có khuôn mặt bầu bĩnh, giải thích cặn kẽ thế giới kỳ ảo của hàng ngàn nhũ đá thiên nhiên lung linh sắc màu, đa dạng hình khối mọc từ dưới lên, trên vòm đá cao rủ xuống. Động Ngườm Ngao có chiều dài 2.144m, gồm 3 cửa chính (số liệu của đội khảo sát Hoàng gia Anh năm 1995). Đến nay động mới khai thác được hơn nửa chiều dài. Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” càng làm Cao Bằng quyến rũ hơn. Năm 2012, Cao Bằng đã đón 459.600 lượt khách trong và ngoài nước, tăng 26% so với năm trước.

  • Khuổi Nậm còn reo

Đường lên núi ngoằn ngoèo, cây rừng ken đặc nhưng từ xa đã thấy vòm mái đỏ rực trên đỉnh núi Tếch Chẩy. Đó chính là Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm ở khu vực trung tâm khu di tích Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Đền nằm trong khuôn viên rộng trên 5.000m2 của khu di tích, được cách điệu từ ngôi nhà sàn của người dân tộc Cao Bằng, có 169 bậc nối với sân trung tâm, 100 bậc đầu tiên kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác (1890 - 1990), 69 bậc tiếp theo là năm 1969, năm Người ra đi.

Bên trong đền, ở vị trí trang trọng là tượng Bác đúc bằng hợp kim đồng cao 1,8m và đôi câu đối cùng bức hoành phi lớn do Giáo sư - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu phụng thảo. Dòng suối Lê Nin xanh ngắt lấy nước từ đầu nguồn Cốc Bó mềm mại lượn quanh chân núi. Bàn đá “chông chênh dịch sử Đảng” còn đây, Khuổi Nậm rì rào núi cao tầng mây vẫn nép mình bên núi Các Mác sừng sững. “Đây suối Lênin, kia núi Mác…” giờ nhộn nhịp du khách. Người Pác Bó làm dịch vụ vui vẻ, thuần phác kiểu “cây nhà lá vườn”. Giám đốc Đào Văn Mùi thông báo khu di tích Pác Bó vừa được công nhận là khu di tích quốc gia đặc biệt, sắp tới còn được đầu tư nhiều hạng mục lớn khác để đến năm 2015 trở thành khu du lịch quốc gia.

Lượng khách đến tham quan tăng liên tục. Ông Đào Văn Mùi cho biết: “Một trong những nguyên nhân gia tăng là nhờ việc khánh thành Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (vào ngày 19-5-2011) với sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước, đặc biệt là các địa phương như Hà Nội, TPHCM, Nghệ An…”. Ngay chân núi Tếch Chẩy, nơi có khu di tích Pác Bó là Km0, điểm đầu của đường Hồ Chí Minh, tuyến đường bộ dài nhất Việt Nam (gần 3.200km), đi qua 30 tỉnh, thành để nối thông với Đất Mũi (Cà Mau). Từ Pác Bó về thành phố Cao Bằng, xe chỉ chạy hơn 1 tiếng đồng hồ nhờ đoạn đường này đã gần hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi.

“Từ TP Cao Bằng nhiều cung đường mới được mở rộng, nâng cấp tỏa đi Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Hà Quảng, Nguyên Bình… Phố xá nơi biên ải lại mọc thêm, sôi động, sầm uất. Con đường từ thị trấn Quảng Uyên về Bản Giốc hơn 50km đã khởi công từ 2 năm nay, đến cuối 2013 sẽ hoàn thành” - Thượng úy Hồ Như Nghĩa thuộc Trạm kiểm soát biên phòng Bản Giốc nói vậy. “Khi đó lượng khách sẽ tăng cao hơn rất nhiều” - Giám đốc khu du lịch thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao (Công ty CP du lịch Cao Bằng) Nông Thị Tiên nhấn mạnh.

  • Thế đứng đầu nguồn

Trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hà Quảng, Pác Bó là “điểm nhấn” quan trọng. Xóm Pác Bó có 90 hộ dân, hơn 300 nhân khẩu, đa số là người dân tộc Tày - Nùng, bây giờ hầu như nhà nào cũng có phương tiện nghe nhìn, đi lại, có hộ sắm cả xe hơi… Nhà nước quan tâm làm đường; hỗ trợ xây nhà kiên cố, phá tường vách đất, bỏ chuồng trại dưới sàn nhà... Từ một xã thuần nông, Pác Bó đã chuyển đổi mạnh sang phát triển dịch vụ và du lịch. “Năm 2008 chỉ có vài hộ nay đã lên gần 80% số hộ trong xóm làm dịch vụ, du lịch.

“Pác Bó là điểm xây dựng nông thôn mới” - ông Đào Văn Mùi, Giám đốc Khu di tích Pác Bó, phấn khởi. Cụ Mạc Thủy ở sát trường mẫu giáo và nhà văn hóa xã đón khách ngay chân cầu thang nhà sàn. Trong nhà còn có người con trai út, anh Mạc Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Hà. “Xã chỉ còn khoảng 10 hộ khó khăn. Vừa rồi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lên thăm tặng mỗi gia đình nghèo một ti vi, tặng lão thành cách mạng Hoàng Thị Sình mấy trăm triệu đồng xây nhà mới” - cụ Mạc Thủy cười hể hả.

Xã Đàm Thủy có hơn 90% là bà con người dân tộc thiểu số cũng đang xây dựng nông thôn mới. Huyền, cô sinh viên năm thứ 4 Đại học Y khoa Thái Bình, có gương mặt trắng hồng, quê ngay xã Đàm Thủy ngồi cùng chuyến xe về Bản Giốc, kể sinh viên đi học đại học - cao đẳng bây giờ nhiều rồi, trạm y tế xã đã có bác sĩ. Thượng úy Hồ Như Nghĩa tâm sự mấy năm gần đây cuộc sống người dân Đàm Thủy khởi sắc nhiều, an ninh trật tự ổn định, khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng được củng cố, bà con kết hợp cùng bộ đội biên phòng thực hiện tốt việc bảo vệ, xây dựng đường biên hòa bình, hữu nghị.

Trên đường Kim Đồng của TP Cao Bằng, giữa những tòa nhà cao tầng vẫn nhấp nháy ánh đèn màu cách điệu hoa văn trang phục dân tộc và những cánh chim vươn cao của đại ngàn phía Bắc. Bản sắc hòa chung hiện đại. Cao Bằng gắn kết nội lực, đi lên vững chắc hơn còn từ văn hóa truyền thống đặc sắc như lễ hội tung còn, xuống đồng, chọi bò; như bóng áo chàm với làn điệu Sli, lượn, then Pựt lằn, Xà dá cùng tiếng đàn tính réo rắt.

Thành phố “trẻ” nhất nước hiện nay là Cao Bằng (Nghị quyết số 60/NQ-CP, ngày 25-9-2012). Vào thời điểm đó, sau chặng đường hơn 10 năm tập trung đầu tư phát triển, kinh tế ở Cao Bằng đã đạt mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng hàng năm trên 12%. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 1.350USD/năm. Số hộ nghèo giảm từ 7,15% năm 2006 xuống còn 1,25% năm 2010 (theo tiêu chí mới, đến hết năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo ở thị xã còn 2,69%).

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục