Thời gian qua nông nghiệp nước ta luôn chịu thua thiệt do sản phẩm thừa ế, không tiêu thụ được, diễn ra ở nhiều ngành hàng. Năng lực chống đỡ với biến động thị trường trong ngành nông, lâm, thủy sản nói riêng và của cả nền nông nghiệp nước ta nói chung khá yếu ớt, thua ngay cả ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam được xếp hàng đầu thế giới về lượng như gạo, hạt điều, cà phê, cao su, hồ tiêu, trà… nhưng giá xuất khẩu luôn thấp hơn các nước và bị đối tác nước ngoài chi phối về giá cả, điều tiết cung cầu. Nông sản nước ta còn thua ngay trên sân nhà như rau quả, trái cây, gia súc, gia cầm…, biểu hiện rõ nhất ở các cuộc “giải cứu” nông sản diễn ra liên tục thời gian qua.
Nguyên nhân thực trạng trên do nền nông nghiệp nước ta sản xuất theo lối tự phát, không nắm được cung cầu thị trường. Nông dân làm ra của cải xã hội nhưng không được bao tiêu sản phẩm, không được bảo hiểm, phó mặc cho may rủi thị trường, luôn bị thao túng và ép giá. Mặt khác, phần lớn nông dân chưa được đào tạo, trình độ quản lý, kinh doanh thấp nên áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Hệ quả là sản phẩm đơn điệu, giống nhau, a dua theo phong trào, chịu nhiều rủi ro.
Để nâng cao sức cạnh tranh nông phẩm nước ta cần gấp rút liên kết, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp; phải đa dạng hóa sản phẩm với chất lượng phù hợp các loại phân khúc thị trường; sản xuất mặt hàng thị trường cần, ký hợp đồng trước giao sản phẩm sau, chấm dứt tình trạng chạy theo số lượng. Muốn vậy, cần tăng tốc đầu tư lĩnh vực sản xuất - chế biến - tiêu thụ; khuyến khích các doanh nghiệp lớn tham gia, chuyển giao kỹ thuật mới cho nông dân. Khu vực nông, lâm, thủy sản hiện chiếm tỷ trọng 15,06% GDP và chiếm 17,48% giá trị hàng hóa xuất khẩu nhưng thu hút không quá 1% các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Nước ta vẫn là một nước sản xuất nông nghiệp, an sinh xã hội dựa phần lớn vào lương thực, thực phẩm trong nước sản xuất. Tuy nhiên, điều đáng buồn là nguồn lực các doanh nghiệp nông nghiệp - yếu tố tạo lực đẩy phát triển, rất thấp. Trên 83% các doanh nghiệp có quy mô dưới 50 lao động, 37% doanh nghiệp khối nông, lâm, thủy sản có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng, số còn lại có quy mô vốn từ 50 - 200 tỷ đồng. Các doanh nghiệp FDI ít đầu tư vào lĩnh vực này, chỉ chiếm 1,09% tổng số doanh nghiệp FDI trong nền kinh tế. Phần lớn các doanh nghiệp nông nghiệp nước ta có quy mô nhỏ, chất lượng nguồn nhân lực yếu, lại thiếu sự gắn kết nên không tạo được năng lực cạnh tranh sản phẩm từng ngành và của quốc gia; đó là chưa kể hiện tượng cạnh tranh nội bộ, “phá” lẫn nhau, tạo điều kiện đối tác nước ngoài hưởng lợi…
Nhìn từ lăng kính bên ngoài, ông Claudio Dordi, Tư vấn trưởng Dự án EU-MUTRAP, nhận xét: Hầu hết nông phẩm Việt Nam phân phối tại thị trường EU nhưng người tiêu dùng không biết điều đó, do bị đóng mác sản xuất của nước khác. Các mặt hàng cà phê, trà, hồ tiêu, ca cao... đều xuất khẩu dạng nguyên liệu thô; nhà nhập khẩu chế biến, đóng gói tung ra thị trường tiêu thụ thu lợi cao. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU chưa được nhận diện thương hiệu bởi doanh nghiệp chưa chú ý tầm quan trọng việc này, thậm chí còn thua lỗ nặng nề bởi không tuân thủ nghiêm túc tiêu chuẩn hàng hóa của nước nhập khẩu, vì vậy số lượng hàng trả về còn cao.
Điểm đáng mừng là mới đây Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030; trong đó xác định mục tiêu: Nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng các mặt hàng có lợi thế xuất khẩu nước ta. Tăng dần tỷ trọng xuất khẩu nông, thủy sản vào thị trường các nền kinh tế phát triển (như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...), phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 8%/năm thời kỳ 2016 - 2020. Giải pháp chủ yếu thực hiện Đề án là tổ chức lại sản xuất thông qua chuyển đổi phương thức sản xuất; trong đó đối với nông sản phải chuyển từ sản xuất nhỏ phân tán sang sản xuất tập trung quy mô lớn, quản lý chất lượng từ nơi trồng đến vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ…
Thủ tướng cũng chỉ đạo, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia phải tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao năng lực doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu; nâng cao vai trò các hiệp hội ngành hàng. Cả doanh nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ mới nhằm nhanh chóng chuyển sang phương thức sản xuất và quản trị tiên tiến theo hướng phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
… Thực tế nền nông nghiệp nước ta và bối cảnh cạnh tranh quyết liệt cả trên bình diện doanh nghiệp và bình diện các quốc gia, cho thấy không thể tồn tại theo lối làm cũ. Việt Nam phải tham gia được vào mạng lưới sản xuất, phân phối các chuỗi giá trị toàn cầu. Tình thế mới đòi hỏi không thể sản xuất chạy theo số lượng, đảm bảo an ninh lương thực và nguồn cung thực phẩm giá rẻ cho nước khác. Trong tiến trình hội nhập phải xác định vị thế cạnh tranh, cùng chia phần miếng bánh lợi nhuận hợp lý với thế giới.