(SGGPO).- Với tỷ lệ tán thành đạt 76,66% trên tổng số ĐBQH, chiều nay, 20-11, QH đã biểu quyết thông qua Luật Căn cước công dân.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, tiếp thu đa số ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo Luật, theo đó quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho người từ 14 tuổi trở lên và chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các quy định liên quan cho phù hợp.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH cũng đã chỉnh lý Điều 21 quy định theo hướng: trường hợp công dân được cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân trong thời gian 2 năm trước tuổi quy định phải đổi thẻ thì được tiếp tục sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo. Về một số ý kiến đề nghị bổ sung một số thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như tên gọi khác, nhóm máu, tình trạng hôn nhân, một số thông tin về anh, chị, em…; có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về thông tin giới tính, quê quán…; có ý kiến đề nghị phân loại thông tin theo từng nhóm..., tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã bổ sung quy định về thông tin nhóm máu theo hướng đây không phải là thông tin bắt buộc mà theo yêu cầu của công dân.
Đối với các thông tin khác mà ĐBQH đề nghị, như đã giải trình tại Báo cáo số 756, UBTVQH thấy rằng, những thông tin được thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là những thông tin cơ bản về công dân được sử dụng thống nhất trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm phục vụ nhân dân. Những thông tin như tên gọi khác, anh, chị em ruột… sẽ được thu thập, cập nhật trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phù hợp với yêu cầu quản lý của từng ngành, lĩnh vực. Vì vậy, không đưa các nội dung này vào luật.
Về việc xác lập số định danh cá nhân, UBTVQH đã chỉnh sửa Điều 12, giao Chính phủ quy định cụ thể về cấu trúc số định danh cá nhân.
ANH PHƯƠNG