Năm nào trong các báo cáo của Bộ NN-PTNT cũng cho biết tỷ lệ độ che phủ rừng đã cơ bản được nâng lên so với năm trước một vài phần trăm. Tuy nhiên, có đi thực tế tại các vùng sâu, vùng xa mới thấy rừng ở nước ta bây giờ bị tàn phá quá nhiều.
Ở miền Bắc, rừng già có lẽ chỉ còn tồn tại ở các khu vườn quốc gia đã được quy hoạch bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng cũng từng ngày run rẩy trước lưỡi cưa của lâm tặc. Ở miền Trung và Tây Nguyên, nơi có địa hình đồi núi dốc và phức tạp, nhiều năm nay, hễ mở báo ra, bật ti vi lên là nghe nói chỗ này phá rừng, chỗ kia vi phạm lâm luật. Đầu tháng 3-2017, dư luận xôn xao về tình trạng lâm tặc lợi dụng các tuyến đường giao thông đang thi công để tàn phá rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đăkrông, hàng trăm cây gỗ lớn bị cưa chặt. Trong năm 2016, báo chí cũng tốn nhiều giấy mực để nói về thực trạng tàn phá rừng ở mức báo động đỏ tại Tây Nguyên. Nhiều năm qua, Tây Nguyên có nhiều rừng già gỗ quý đã trở thành “mỏ tiền” của lâm tặc, rừng bị tàn phá dữ dội bất chấp nỗ lực giữ rừng của những cán bộ kiểm lâm có lương tâm và trách nhiệm.
Lý do rừng bị chảy máu, gỗ rừng bị đốn hạ không thương xót là do khai thác gỗ lậu có siêu lợi nhuận. Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tại một hội nghị tổ chức cuối năm 2016 cho biết, trong năm 2016 đã có 28 vụ chống người thi hành công vụ (tăng 55,6%) làm 27 người bị thương.
Điều đáng buồn là nạn phá rừng già ở nước ta hiện đã trở thành một thứ mưu mô thủ đoạn có tính kế hoạch. Câu chuyện người dân vì kế sinh nhai đành liều cầm cưa lén lút vào rừng chặt gỗ trộm chỉ là nhỏ lẻ, mà bây giờ còn xuất hiện cả những “dự án phá rừng”. Vụ việc lợi dụng làm đường giao thông để khai thác gỗ quý hiếm ở Hướng Hóa đi Đăkrông - Quảng Trị chưa đau xót bằng việc nhiều dự án làm thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên được vẽ ra để phá rừng, khai thác gỗ. Điều này cũng lý giải cho câu hỏi vì sao mà dự án thủy điện mọc lên nhan nhản như vậy! Trước thực trạng nhức nhối đó, tại hội nghị tìm các giải pháp khôi phục rừng vùng Tây Nguyên tổ chức trong năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải kiên quyết đóng cửa rừng để bảo vệ rừng và phát triển rừng bền vững. Đây là mệnh lệnh quan trọng để cứu rừng Tây Nguyên.
Tất cả chúng ta đều biết, rừng là lá chắn thiên tai và lá phổi xanh cho con người và môi sinh. Trong năm 2016, lũ lụt kỷ lục ở Nam Trung bộ, rồi hạn hán khốc liệt ở Tây Nam bộ kéo dài từ năm 2014 đến giữa năm 2016, cũng là do hậu quả rừng bị mất đi quá nhiều, diện tích suy giảm. Tuy nhiên, với đặc thù khí hậu nhiệt đới như ở nước ta, rừng còn có giá trị rất lớn về kinh tế. Theo Bộ NN-PTNT, trong năm 2016, giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng trưởng và phục hồi nhanh trở lại có sự đóng góp của các mặt hàng gỗ và lâm sản xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản cả năm 2016 đạt 7,3 tỷ USD và đặt mục tiêu đạt 7,3%-7,5% trong năm 2017.
Kể từ khi có giao khoán rừng, diện tích rừng trồng - tái sinh, rừng làm kinh tế đã được phủ xanh trở lại một cách đáng kể. Tuy nhiên, do tình trạng phá rừng bừa bãi, nguồn gốc gỗ xuất khẩu không minh bạch mà nhiều năm qua, xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam ra nước ngoài liên tục gặp đủ rào cản, nhất là tại các thị trường coi trọng “đồng tiền sạch”, “hàng hóa sạch” như Mỹ và EU. Các rào cản như chứng chỉ xác nhận nguồn gốc gỗ trồng hợp pháp, chứng chỉ quản lý rừng bền vững… không phải là công cụ để ngăn sông cấm chợ, bảo kê cho hàng nội địa của nước sở tại, mà chính là để hướng tới một thị trường công bằng và minh bạch, đề cao sự đa dạng sinh học và vì mục tiêu sống còn của hành tinh xanh. Nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ tại Mỹ và EU rất lớn, nhưng ở bên kia bán cầu, những người tiêu dùng, các nhà nhập khẩu muốn sử dụng sản phẩm hợp pháp, không tiếp tay cho gỗ lậu.
Rõ ràng, việc hợp tác và làm tốt các yêu cầu, đẩy nhanh việc quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng hợp pháp là cơ hội để bảo vệ những người trồng rừng và các doanh nghiệp trồng rừng và chế biến gỗ chân chính. Do chứng chỉ rừng ở đây không phải là loại chứng nhận bởi cơ quan chức năng của Việt Nam tự ban hành theo tiêu chuẩn, điều kiện riêng mà do chính các tổ chức quốc tế chứng nhận dựa trên tiêu chuẩn pháp lý và các tác động môi trường - xã hội, đa dạng sinh học… nên để đáp ứng được tiêu chuẩn đó, buộc chúng ta phải tạo độ tin cậy về quản lý rừng bền vững; xóa sổ vấn nạn lâm tặc, núp bóng dự án để phá rừng, lợi dụng quyền hạn để giao đất, giao rừng bừa bãi, chiếm đoạt trái phép đất rừng. Phải thường xuyên điều tra, khởi tố các vụ phá rừng…
PHÚC HẬU