Cấp thiết hiện đại hóa nông nghiệp

Ngành nông nghiệp nước ta trong tổng GDP nhỏ (15% - 17%) nhưng lại có vai trò rất to lớn đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn. Bởi lẽ, do chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, hiện nay khu vực nông nghiệp - nông thôn vẫn chiếm đến 70% về diện tích, gần 70% dân số, 46% lao động cả nước, nhưng thu nhập của người dân nông thôn luôn ở mức thấp, bấp bênh. Nếu có thiên tai, sự cố xảy ra, nông dân rơi ngay vào tình trạng thiếu đói, tái nghèo.

Các chỉ số thống kê cho thấy, vấn đề đáng báo động là tốc độ tăng GDP trong nhóm ngành nông - lâm - thủy sản ngày càng giảm sút: Năm 2015 tăng thấp nhất so với 5 năm trước. Và tính bình quân thời kỳ 2011-2015 cũng thấp so với các giai đoạn trước đây. Riêng các quý đầu năm 2016, lần đầu tiên nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng âm, do hậu quả thiên tai tại các tỉnh phía Bắc, sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung, khô hạn ở Tây Nguyên và ĐBSCL. Nhờ nhanh chóng khắc phục thiên tai, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, các tháng cuối năm ngành nông nghiệp mới khôi phục tăng trưởng, dự kiến năm nay có thể đạt 1,2%-1,4%, giá trị xuất khẩu khoảng 30 tỷ USD.

Không thể phủ nhận trong tiến trình đổi mới đất nước, ngành nông nghiệp nước ta có những kết quả, thành tựu hết sức to lớn; chuyển đổi thành công từ nền nông nghiệp bao cấp tập trung sang sản xuất theo tín hiệu thị trường, từ chỗ thiếu ăn sang đủ lương thực thực phẩm cung ứng 90 triệu dân; trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn các mặt hàng gạo, cà phê, hồ tiêu… Tuy nhiên, không vì vậy đại bộ phận nông dân đã giàu và những thách thức trong sản xuất nông nghiệp giảm đi.

Tín hiệu ngày càng cho thấy, biến đổi khí hậu thời tiết cực đoan đang xảy ra trên diện rộng, khó lường, nhanh hơn dự báo, gây ảnh hưởng nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Theo Liên hiệp quốc, Việt Nam đứng thứ 5 trong số các quốc gia chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, dịch bệnh; thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp hàng năm khoảng 1,8 tỷ USD. Còn theo một nghiên cứu khác, mỗi năm nông dân nước ta mất khối tài sản ước tính 1,5% GDP (trên 10 tỷ USD) do biến đổi khí hậu, sản xuất lạc hậu và thiên tai, dịch bệnh. Trong bối cảnh ấy, để bảo đảm cho công sức và thành quả lao động của mình, nông dân rất cần được bảo hiểm nông nghiệp - kể cả đầu vào sản xuất và đầu ra sản phẩm. Nhưng đến nay sau nhiều năm triển khai, kết quả vẫn rất hạn chế, chưa thực hiện trên diện rộng. Nông dân vẫn luôn đối mặt với rủi ro.

Sản xuất nông nghiệp bấp bênh, nông dân vẫn chưa làm giàu được trên mảnh đất của mình, còn do nội tại cơ cấu ngành nông nghiệp nước ta. Nhận thức về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chia sẻ khi nhận nhiệm vụ: Nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay đối mặt 3 thách thức rất lớn: Xét trên tổng thể, vẫn là nền nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ với 12 triệu nông dân canh tác trên diện tích bình quân rất thấp, 0,3ha/hộ. Biến đổi khí hậu hiện nay diễn ra hầu như trên toàn bộ các vùng lãnh thổ, tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp, làm đảo lộn đời sống nông dân. Hội nhập kinh tế, trong đó có nông nghiệp, đặt ra các thách thức lớn do nông sản nước ta chưa có thương hiệu, sản xuất không theo chuỗi giá trị, chưa bảo đảm an toàn thực phẩm… Do vậy, việc mở rộng thị trường và nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu không dễ dàng.

Vậy, ta hóa giải những thách thức này như thế nào? Trong nhiều năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trong đó Chính phủ có chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Yêu cầu đặt ra là đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại, thực hiện việc liên kết - hợp tác chặt chẽ giữa các chủ thể xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu; trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt. Khuyến khích và hỗ trợ nông dân hình thành các HTX, tổ hợp tác kiểu mới nhằm đưa nông nghiệp tiến lên sản xuất quy mô lớn, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng. Tạo môi trường thuận lợi để ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông dân…

Đó là những chủ trương đúng đắn, tuy nhiên sau 3 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, thực tế vẫn bộc lộ những tồn tại, yếu kém: Tốc độ triển khai chậm, chưa đồng bộ; tổ chức sản xuất chậm đổi mới; hoạt động nghiên cứu, xây dựng chuỗi sản xuất các ngành hàng nông phẩm chưa cao; sự tham gia các doanh nghiệp còn hạn chế… Xét tổng thể, đến nay quy mô sản xuất hàng hóa tập trung với công nghệ hiện đại, quản trị tốt có tỷ lệ rất nhỏ; đa phần sản xuất nông nghiệp vẫn duy trì quy mô nhỏ lẻ, rất khó kiểm soát an toàn thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Do chưa xây dựng được chuỗi giá trị và thương hiệu nông phẩm, nên nước ta xuất khẩu lớn, nhiều mặt hàng đạt kim ngạch trên tỷ USD/năm, nhưng hầu hết là sản phẩm thô, xuất khẩu tiểu ngạch. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá cả bấp bênh, chưa nâng cao được đời sống nông dân.

Sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố: (i) kỹ thuật và công nghệ; (ii) quy trình sản xuất tốt, kiểm soát được chất lượng; (iii) kết hợp được các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị. Có thực hiện được những việc này mới hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, kết nối thông suốt sản xuất - thị trường, nâng cao giá trị nông phẩm. Con đường đột phá để đưa nông nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế, đổi đời nông dân là phải đổi mới chính sách nông nghiệp - đất đai; hình thành chuỗi ngành hàng sản xuất; ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất; điều chỉnh cơ cấu cây trồng hợp lý theo nhu cầu thị trường hội nhập. Cấp bách hiện đại hóa nông nghiệp mới hóa giải các thách thức mà nông dân đang đối mặt.

LÊ TIỀN TUYẾN

Tin cùng chuyên mục