Cắt giảm thôi chưa đủ!

Hầu hết các nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô hàng đầu vừa tham dự một diễn đàn nhằm hiến kế cho Chính phủ về công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, đều thống nhất cho rằng quan điểm, phương hướng cắt giảm đầu tư công đã rõ. Nhưng cắt giảm đầu tư công mới chỉ là một phần trong khối lượng công việc khổng lồ nhằm tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu đầu tư công nhằm nâng cao hiệu quả nguồn đầu tư này, nói riêng.

Đưa ra ví dụ về đường cao tốc TPHCM - Trung Lương: “Ở ta làm phải mất tới 10 triệu USD/km trong khi với dự án tương tự được làm ở Mỹ chỉ mất khoảng 5 triệu USD và ở Trung Quốc chỉ là 4 triệu USD”, ông Võ Đại Lược, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nhấn mạnh. Nếu không có thay đổi trong bộ máy và thể chế, rất khó có thể tái cấu trúc đầu tư công! Chia sẻ quan điểm này, TS Lê Đăng Doanh nhận xét, nghịch lý hiện tại cần hóa giải của nền kinh tế Việt Nam chính là việc trong khi quy mô đầu tư vẫn tăng thì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lại giảm, chất lượng tăng trưởng thấp, nguyên nhân sâu xa nằm ở quy hoạch, kế hoạch, quy trình quyết định đầu tư.

Ông nói thẳng, việc ra quyết định đầu tư công của Việt Nam nhiều khi bị tác động mạnh mẽ của cơ chế “xin - cho” (theo kiểu “đi có, về có; đi không, về không”); “gửi dự án”. Đó là chưa kể tâm lý cả nể, dàn hàng ngang để rải vốn…

Tạm đặt sang bên những hiện tượng tiêu cực trong đầu tư công; từ một góc nhìn khác, có thể thấy rằng, cơ cấu giữa tích lũy và đầu tư, cân đối thu - chi trong nền kinh tế cũng đang có vấn đề. Theo các nhà kinh tế, tốc độ tăng thu ngân sách cao trong nhiều năm qua chưa hẳn đáng mừng. Trong bối cảnh “cái bánh nguồn lực” còn khá nhỏ, tăng thu ngân sách luôn luôn cao hơn tốc độ tăng GDP, thì cũng có nghĩa là nguồn lực xã hội đã bị tập trung phần lớn vào Nhà nước; hạn chế khả năng sử dụng của khu vực dân doanh.

Trong khi đó, xét về các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế, khu vực dân doanh hiện cao hơn khu vực kinh tế nhà nước nhiều lần. Cụ thể, theo số liệu chính thức do Tổng cục Thống kê công bố, trong giai đoạn 2006 - 2010, khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm 45% tổng đầu tư nhưng chỉ tạo ra 28% GDP; trong khi đó khu vực doanh nghiệp dân doanh chỉ chiếm 28% đầu tư nhưng lại tạo ra tới 46% GDP. Đóng góp của khu vực doanh nghiệp Nhà nước vào tăng trưởng GDP đã giảm rất nhanh từ mức 33% trong giai đoạn 2001 - 2005 xuống chỉ còn 19% trong giai đoạn 2006 - 2010, trong khi đó đóng góp của khu vực doanh nghiệp dân doanh tăng từ 45% lên 54% trong cùng thời kỳ…

Là một đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đồng thời là một nhà nghiên cứu kinh tế, tại nhiều kỳ họp QH, TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM kiên trì phát biểu đề nghị xúc tiến dự án luật đầu tư công. “Quy mô đầu tư công liên tục tăng cao trong khi chưa có luật là một trong những bất cập lớn nhất của công tác lập pháp”, ông nói. Dĩ nhiên, hơn ai hết, TS Trần Du Lịch hiểu rằng, chỉ ban hành một văn bản luật (giả định là với chất lượng tốt như mong muốn), những căn bệnh về đầu tư công cũng không thể chữa khỏi ngay một sớm một chiều.

Thậm chí, ông Lịch đã thẳng thắn thừa nhận, sự “ốm yếu” của đầu tư công có phần trách nhiệm của chính những ĐBQH. Trong nhiệm kỳ QH khóa 12, mức bội chi đã liên tục tăng và trái phiếu Chính phủ (chưa được tính vào bội chi) đã được phát hành với số lượng lớn để phân bổ các cho dự án đầu tư công, trong khi chưa có sự đánh giá mang tính định lượng đáng tin cậy về hiệu quả của các dự án và công trình đã sử dụng nguồn vốn này.

Rõ ràng, song song với công tác xây dựng khung pháp lý vững chắc cho hoạt động đầu tư công, quá trình thực thi pháp luật cũng cần được chấn chỉnh đồng bộ với quyết tâm rất cao và thông suốt từ trên xuống dưới, ở tất cả mọi địa phương.  

BẢO VÂN

Tin cùng chuyên mục