Câu chuyện quản lý: Không thể tăng giá mãi

Cuối tháng 9-2010, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa tăng giá mua thêm 1.000 đồng/kg sữa. Đến ngày 11-10, Công ty FrieslandCampina cũng sẽ tăng thêm 1.100 đồng/kg sữa tươi. Thông tin này thật có ý nghĩa đối với người chăn nuôi bò sữa, khi giá thức ăn chăn nuôi chiếm tỷ lệ rất lớn (khoảng 70% giá thành mỗi ký sữa) đã tăng không dưới 5 lần từ đầu năm đến nay, tổng cộng khoảng 20%.

Như vậy, chỉ sau thời gian ngắn, khoảng 4 tháng, giá thu mua sữa đã tăng thêm 1.600 đồng/kg. Trong hơn 20 năm thu mua sữa chế biến, việc tăng giá này chỉ có thể so sánh như năm 2008, khi khoảng 2 tháng mấy lần tăng giá sữa. Nhưng mục đích lúc đó do giá sữa nguyên liệu thế giới tăng cao, nên các nhà máy đua nhau tăng giá để thu hút người nuôi bò sữa.

Trong khi đó, việc tăng giá thu mua lần này có ý nghĩa khác. Nếu lần trước (tháng 6-2010), ngay sau khi báo chí đồng loạt lên tiếng về sự khó khăn của người chăn nuôi, các doanh nghiệp (DN) mới tăng giá thu mua sữa, nhưng nay tự thân các DN cân nhắc và nâng giá thu mua sữa bò cho người chăn nuôi trong bối cảnh giá thức ăn tăng liên tục và người nuôi có nguy cơ phá sản.

Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng Hiệp hội Sữa Việt Nam đã có vai trò nhất định trong việc quản lý giá. Vì đến nay, hiệp hội này là sân chơi của người nuôi bò và chế biến sữa. Phải chăng đã có sự vận động ngay bên trong hiệp hội để cân bằng lợi ích. Nếu đúng vậy, đó là dấu hiệu tích cực. Có thể đến một lúc nào đó, hai thành phần này sẽ tự tách ra như kiểu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) với Hội Nghề cá.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa, nếu giá thức ăn tiếp tục tăng, giá mua sữa nguyên liệu tăng theo. Trong trường hợp này không thể để ngoài vai trò của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi. Chỉ cần DN chế biến thức ăn quan tâm đến nỗi khổ của người chăn nuôi trước khi tăng giá sẽ tạo điều kiện giúp bà con dễ thở. Xét cho cùng, có người chăn nuôi mới có nơi tiêu thụ thức ăn chăn nuôi. Do vậy phải có cơ chế ràng buộc quyền lợi lẫn nhau mới có thể giải quyết căn cơ việc này. Nhưng vấn đề đặt ra chính là chủ trương và chính sách phát triển vùng nguyên liệu cho chế biến thức ăn chăn nuôi. Cũng như vấn đề thuế nhập khẩu nguyên liệu phải như thế nào mới phù hợp với người chăn nuôi. Chỉ khi nào nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi không còn lệ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu (hiện nay, 70% nguyên liệu bắp là nhập khẩu làm giá thức ăn chăn nuôi của VN cao hơn khu vực khoảng 30%), có vậy mới giúp bà con chăn nuôi giảm giá thành và lúc đó mới có thể nói đến chăn nuôi bền vững.

Đăng Lãm

Tin cùng chuyên mục