Sự trầm lắng trong các hoạt động văn học nghệ thuật ở TPHCM - đầu tàu kéo sự phát triển chung của cả nước - đang là mối ưu tư của các cấp lãnh đạo và bản thân giới văn nghệ sĩ. Cho dù có những thành tựu nhất định trong quá trình đổi mới hơn 30 năm qua, song nhìn chung cảm giác chưa hài lòng vẫn trĩu nặng, vẫn canh cánh câu hỏi nhức nhối: Bắt đầu từ đâu, làm gì để thành phố vươn lên đúng tầm một trung tâm văn hóa lớn nhất nước?
Dường như đã quá hiểu những vấn đề đặt ra như thiếu vắng các tác phẩm văn học nghệ thuật đỉnh cao, thiếu hụt nguồn nhân lực mang tính sáng tạo, chưa có một nhà hát xứng tầm…, trong buổi gặp gỡ các nữ văn nghệ sĩ tiêu biểu thành phố vào sáng 21-9, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng nhắc lại việc nhà hát Trần Hữu Trang vừa khánh thành đã phải tạm ngưng vì thiết kế chưa phù hợp, quy mô quá nhỏ so với nhu cầu biểu diễn và đồng chí Nguyễn Thành Phong trịnh trọng thông báo: sắp tới TPHCM sẽ tập trung thực hiện 4 công trình: nhà hát bội - cải lương - kịch, trung tâm ca nhạc nhẹ, nhà hát giao hưởng và nhà biểu diễn xiếc. “Tôi đi tiếp xúc, cử tri rất bức xúc. Các chương trình lớn hiện nay khi thì vào trung tâm triển lãm, khi thì phải vào Nhà thi đấu Phú Thọ. Bao giờ TPHCM mới có một nhà hát xứng tầm với thành phố?”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nói.
Hàng chục năm nay, mỗi khi gặp gỡ lãnh đạo, nghệ sĩ nào cũng kêu than về việc giới biểu diễn không được hỗ trợ, rằng nhà nước không đầu tư xứng tầm... Nhưng thế nào là xứng tầm? Hiện nay các sân khấu (nói về sân khấu kịch, còn cải lương và các loại hình khác đã ngắc ngoải từ lâu) đa phần là của tư nhân, sân khấu nhà nước chỉ có 2 điểm (Nhà hát Kịch TPHCM và sân khấu 5B Võ Văn Tần) nhưng đã “chết lâm sàng” khi ngưng trệ không hoạt động, năm thì mười họa mới có vài suất phục vụ. Còn lại các sân khấu khác thì hoạt động manh mún, mạnh ai nấy sống, mỗi đơn vị đều tự bươn chải gồng gánh để duy trì hoạt động. Chính vì vậy mà chất lượng các vở diễn khá thấp, cảnh trí thường hay tận dụng lại của những vở trước để tiết kiệm, nội dung phần nhiều chạy theo những tình huống chọc cười khá dễ dãi, chuyện ma quái, đồng tính. Các vở diễn truyền thống, các vở diễn mang tính giáo dục thẩm mỹ ngày càng ít đi vì bán không được vé. Vô tình, làng kịch càng ngày càng xuống cấp, chất lượng ngày càng tệ. Và cần phải nhìn nhận thêm một điều, chính bản thân người nghệ sĩ cũng bớt tôn trọng “thánh đường nghệ thuật” của mình, xuất hiện tình trạng thế vai tràn lan theo kiểu nghệ sĩ ngôi sao thì dễ dàng bỏ diễn nếu có việc khác nhiều tiền hơn, bầu sô dễ dàng thay ngôi sao bằng một cái tên rất trẻ... Đấy là chưa kể cái “đói” kịch bản đã ở mức trầm trọng, đến nỗi nhiều đơn vị phải dùng lại các vở cũ, hoặc chuyển thể từ các loại hình khác. Thật ra, lực lượng sáng tác, viết kịch bản hiện cũng khá hùng hậu, năm nào cũng có vài trại sáng tác cho ra đời hàng chục tác phẩm, nhưng tác phẩm đủ để đưa ra dàn dựng thì cực kỳ hiếm, đa phần chỉ là “lẫy” được cái ý hay cái chủ đề, còn cấu trúc, miếng mảng, kịch tính, cao trào... thì phó mặc cho đạo diễn và diễn viên.
Ý thức là thứ xa xỉ. Vài người có ý thức giữ gìn thì lạc lõng trong một môi trường “nước tới đâu trôi tới đó”, và các đêm diễn khán giả xoay quanh mốc 100-200 vé đã là “hiện tượng” lạ, là “mừng hết lớn”, thì làm gì có sự đột phá nào để cần tới “nhà hát xứng tầm”? Nếu cần số ghế nhiều thì đã có nhà hát Hòa Bình, 2.330 ghế, quy mô, tiêu chuẩn về sân khấu khá tốt. Còn gọn gàng mà vẫn ấm cúng, trang trọng thì đã có Nhà hát Lớn thành phố. Nhưng tại cả hai nơi này sân khấu cũng hiếm khi sáng đèn vì có mấy show kịch, cải lương, tuồng cổ nào dám ra hai nơi ấy mà điễn?
Thật sự, một nhà hát xứng tầm thì cũng cần, vì cũng có khá nhiều công ty tổ chức biểu diễn trên thế giới muốn đưa show diễn của họ đến Việt Nam, yêu cầu mặt bằng sân khấu có sức chứa lớn, cơ sở vật chất khang trang hiện đại, nhưng sau khi đến khảo sát, ai nấy đều lắc đầu. Các nhà tổ chức biểu diễn trong nước cũng chào thua. Muốn đầu tư lớn thì phải có lượng khán giả lớn mới mong thu đủ bù chi. Ai cũng mơ đến một nhà hát mở, với sức chứa dao động mở từ 2.000 lên đến 10.000 khán giả như nhiều nước khác trên thế giới. Cái khó ở đây không phải là không có tiền vì thành phố cũng đã quyết tâm sẽ đầu tư, nhưng cái khó nhất, quan trọng nhất mà không ai đòi hỏi phải giải quyết, đó là: thực lực của nghệ thuật Việt Nam đang ở đâu? Ý thức của người nghệ sĩ đang nghĩ về điều gì? Những nhà hát xứng tầm xây ra liệu sẽ diễn được bao nhiêu suất hoành tráng cho số lượng khán giả vài ngàn hay đòi cho đã rốt cuộc rồi thì cũng chỉ để làm các show ca nhạc hay hội nghị khách hàng của các công ty lớn?
Xây một nhà hát phải bằng tình yêu và lòng tự hào với văn hóa dân tộc chứ không phải kiểu ganh đua: “Nước người ta có cớ gì mình không có?”. Nhưng vấn đề là xây dựng ý thức như thế nào? Câu hỏi chưa ai hỏi và càng chưa tìm ra lời đáp.
SONG ANH