Câu hỏi lớn từ phòng khám tư

Chỉ trong khoảng 1 tháng, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã đột xuất thanh kiểm tra và phát hiện hàng loạt phòng khám hành nghề y tư nhân sai phạm. Không chỉ phòng khám trong nước mà các phòng khám có yếu tố nước ngoài cũng hoạt động sai phép, không phép.

Mặc dù không có chuyên môn ngành y nhưng nhiều người vẫn là chủ phòng khám kiêm khám bệnh. Đây là một thực tế mà qua ghi nhận cho thấy đang diễn ra khá nhiều ở TPHCM. Một số người chỉ cần thuê chứng chỉ hành nghề của bác sĩ rồi tự mở phòng mạch hay phòng khám và kiếm bộn tiền. Trong khi đó, bác sĩ thực thụ thì lo tối mặt công việc ở BV, ít người còn chú tâm mở thêm phòng mạch, phòng khám nên cho thuê chứng chỉ hành nghề là chuyện thường. Giá bình quân một chứng chỉ bây giờ cho thuê từ 5 - 7 triệu, có khi cả chục triệu đồng mỗi tháng. Đến tháng là tiền chuyển về tài khoản bác sĩ, còn người thuê mở phòng khám hay làm gì thì mặc kệ.

Chính vì vậy mà theo BS Phạm Kim Bình, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, khi thanh tra không ít phòng khám vắng bóng bác sĩ đứng tên hành nghề. Tình trạng này đang trở thành một mối nguy lớn cho người bệnh vì thực tế người không có chuyên môn, không được cấp phép hành nghề nhưng vẫn khám bệnh thì chẳng khác nào “thầy lang”.

Trong khi đó, Luật Khám chữa bệnh đã được thông qua ngày 23-11-2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011 nghiêm cấm “thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hoạt động”. Thế nhưng không ít người vẫn xem thường pháp luật!

Bên cạnh đó, hoạt động phòng khám có yếu tố nước ngoài, “núp bóng” người trong nước để hành nghề cũng không phải ít. Thậm chí, một số người nước ngoài không có chuyên môn khám chữa bệnh nhưng thuê chứng chỉ hành nghề của người Việt Nam rồi đứng ra tổ chức khám chữa bệnh. Kiểm tra đột xuất Phòng khám Đa khoa Apollo ở 228 - 228A Trần Hưng Đạo, quận 1 là một ví dụ điển hình. Trong 8 bác sĩ thì có 3 bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề y mà thuê chứng chỉ của bác sĩ Việt Nam và ngang nhiên hành nghề.

Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM Bùi Minh Trạng thừa nhận đang tồn tại một số phòng khám do người Việt Nam đứng tên nhưng chủ yếu là bác sĩ người nước ngoài khám bệnh, không đăng ký. Tuy nhiên, ngay cả bác sĩ Việt Nam có chứng chỉ hành nghề nhưng hoạt động khám chữa bệnh cũng sai phép như một loạt phòng khám ở quận Bình Thạnh thực hiện dịch vụ khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động; không bảo đảm các điều kiện cần thiết để người hành nghề khám bệnh; bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề thực hiện nghiệp vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Tình trạng hành nghề y tư nhân sai phép, không phép tràn lan là câu chuyện “dài tập” được phản ánh từ nhiều năm nay. Vậy công tác quản lý nằm ở đâu hay có sự nể nang, bao che, thậm chí bảo kê? Với khoảng hơn 15.000 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, việc Thanh tra Sở Y tế TPHCM chỉ mới phát hiện một vài cơ sở sai phạm vừa qua chỉ là bề nổi của tảng băng.

Thế nhưng, theo Thanh tra Sở Y tế TPHCM, trong đợt 1-2003 đã kiểm tra 1.110 cơ sở khám chữa bệnh nhưng chỉ ghi nhận 236 cơ sở vi phạm! Điều này dường như có sự mâu thuẫn khi Thanh tra Sở Y tế cho rằng vấn đề tồn tại là hiện nay còn nhiều cơ sở vi phạm hoạt động không phép chiếm tỷ lệ cao (30%) hoặc hoạt động quá phạm vi chuyên môn trong giấy phép hoạt động.

Không phải Thanh tra Sở Y tế mà ngay chính phòng y tế các quận, huyện có trách nhiệm rất lớn trong việc quản lý hành nghề y trên địa bàn. Hiện công tác thanh kiểm tra cũng đã được phân cấp đến các quận, huyện, nhưng ở tuyến dưới hoạt động thanh tra còn yếu kém, tỷ lệ thanh tra thấp, ít vụ vi phạm bị phát hiện nếu không nói là bao che hay bảo kê!

Theo BS Bùi Minh Trạng, để khách quan, những cuộc kiểm tra của Thanh tra Sở Y tế đều “đột xuất” nhằm tránh tình trạng có bảo kê. Thế nhưng, liệu kiểm tra “đột xuất” được bao nhiêu cơ sở trong khi trên địa bàn có hàng ngàn cơ sở hành nghề y tư nhân? Câu hỏi không dễ trả lời.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục