Với 9.864 tỷ đồng vốn đầu tư, Đại lộ Đông Tây (nay là đường Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ) là một công trình giao thông lớn nhất và hiện đại nhất của TPHCM. Trong đó, hầm Thủ Thiêm còn là đường hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á. Quá trình từ khi khởi công đến hoàn thành, công trình luôn thu hút sự quan tâm và là niềm kiêu hãnh của hàng triệu người dân.
Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng chưa được bao lâu, công trình đã xuất hiện những sự cố và khiếm khuyết đáng lo ngại. Mới nhất, cách đây hơn nửa tháng, trên con đường mà thiết kế cho phép xe cơ giới có thể chạy với tốc độ từ 80 - 100 km/giờ đã xuất hiện những đoạn bị lún trồi nhựa, rất nguy hiểm cho mọi phương tiện lưu thông. Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM - đơn vị chủ quản bảo trì và duy tu công trình - phải cào bóc lớp bê tông nhựa bị hư hỏng và phủ lớp bê tông nhựa mới.
Song theo nhiều chuyên gia, đây mới chỉ là sửa chữa mang tính thử nghiệm, chất lượng của mặt đường chưa thể đảm bảo tính phù hợp và ổn định lâu dài cho công trình. Chưa hết, theo quan sát của chúng tôi, công trình này đến nay còn nhiều hạng mục chưa hoàn thiện như hệ thống thoát nước kém gây ngập lụt sau mỗi trận mưa, nhiều đoạn cống thiếu nắp, nhiều hố ga lộ thiên… Những khuyết tật nói trên đã đặt ra nhiều câu hỏi về sự đồng bộ và chất lượng của một công trình trọng điểm tiêu tốn gần chục ngàn tỷ đồng.
Nhìn rộng ra, Đại lộ Đông Tây không phải là công trình duy nhất bộc lộ những khiếm khuyết. Trở lại con đường cao tốc đầu tiên TPHCM - Trung Lương được đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, đến nay cũng đã xuất hiện hàng trăm điểm bong tróc, tạo nên những ổ gà lồi lõm trên mặt đường. Đó chính là nguyên nhân gây ra hàng trăm vụ tai nạn giao thông, làm chết và bị thương hàng chục người kể từ khi đưa vào khai thác tuyến đường này.
Xa hơn nữa, cầu Thăng Long (Hà Nội) - cây cầu hiện đại nhất vào thời điểm được khánh thành, là niềm tự hào của ngành cầu đường Việt Nam lúc bấy giờ - sau một thời gian hoạt động, mặt đường bị hư hại và việc sửa chữa gặp vô vàn khó khăn…
Câu hỏi đặt ra là tại sao tuổi thọ của những công trình này lại kém như vậy, trong khi theo thiết kế và sự cam kết của chủ thầu cũng như đơn vị thi công, những công trình này là vĩnh cửu hoặc tối thiểu cũng được trăm năm?
Xét về mặt công nghệ, các công trình này - vào thời điểm thi công xây dựng - luôn được áp dụng công nghệ mới nhất, hiện đại nhất, khắc phục được những nhược điểm của các công nghệ trước nó. Vật liệu xây dựng của các công trình cũng được tuyển chọn nghiêm ngặt. Trong quá trình thi công có sự “trông nom” chặt chẽ của hệ thống tư vấn giám sát quốc tế hoặc những đơn vị có uy tín nhất trong ngành cầu đường Việt Nam.
Vậy tại sao chất lượng các công trình rất quan trọng này vẫn bị đặt trong trạng thái báo động, gây hồi hộp cho mọi người và điều đáng nói nhất là làm mất niềm tin của xã hội, của nhân dân? Phải chăng trong quá trình thi công, dù bị giám sát chặt chẽ, một lượng vật tư đã bị thất thoát khiến chất lượng công trình sút kém so với thiết kế? Hay quy trình kỹ thuật và thi công chưa thật đảm bảo như đã quảng bá?...
Công trình không biết nói dối. Cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Chỉ có chất lượng thật mới đảm bảo cho công trình tồn tại cùng thời gian. Những câu hỏi đặt ra trên đây phải do chính những người thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình mới có thể trả lời một cách chính xác cho xã hội và công luận.
PHAN LỘC