Cầu vượt vắng người đi

Vô tư qua đường
Cầu vượt vắng người đi

Để xây dựng một cầu vượt bộ hành phải tốn 1-2 tỷ đồng, nhưng tại TPHCM, hiệu quả các công trình này rất hạn chế, gây lãng phí. Trong khi đó, ngành giao thông dự định xây thêm một số cầu vượt nhằm giảm ùn tắc và tai nạn.

Vẫn còn ít người dân sử dụng cầu vượt khi băng qua đường. (Ảnh chụp tại cầu vượt trước Bệnh viện Ung bướu). Ảnh: Thanh Tâm

Vẫn còn ít người dân sử dụng cầu vượt khi băng qua đường. (Ảnh chụp tại cầu vượt trước Bệnh viện Ung bướu). Ảnh: Thanh Tâm

Vô tư qua đường

Nói là cầu vượt qua đường dành cho người đi bộ nhưng chỉ lác đác vài người đi, trong khi dưới lòng, lề đường, người ta chen chúc nhau băng qua đường một cách loạn xạ. Khoảng 6 giờ kém 15 phút ngày 20-2, trước cổng Bệnh viện Nhân dân Gia Định có rất đông người đi bộ qua lại. Chiếc cầu vượt được xây dựng khá đẹp ngay trước cổng bệnh viện nối 2 lề đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) để khách bộ hành qua lại nhưng trên cầu chỉ vài người chịu khó bước lên để qua bên kia đường. Trái ngược hình ảnh trên, phía dưới gầm cầu, rất nhiều người cứ “vô tư” len lỏi qua làn xe máy, ô tô đang lưu thông trên đường để qua bên kia đường vào bệnh viện hoặc ngược lại.

Tại khu vực cửa ngõ thành phố như ở cầu vượt Suối Tiên, bắc ngang qua xa lộ Hà Nội, nơi có lượng xe lưu thông rất lớn vì thế cây cầu dành cho người đi bộ ở đây được nhiều người sử dụng để qua đường. Tuy nhiên, lối đi trên cầu đang bị những người bán hàng rong, tử vi, xem bói... chiếm dụng khiến người đi bộ đi qua khá khó khăn. Bậc thang lên xuống cầu nhếch nhác, nhiều người ái ngại mỗi khi lên cầu. 

Hầm chui qua Công ty Pou Yuen và KCN Tân Tạo trên quốc lộ 1A được xây dựng với mục đích giảm tải áp lực giao thông, bảo đảm an toàn cho người đi bộ qua đường. Thế nhưng hiếm khi có người chịu đi mà cứ băng ngang qua đường, mặc dù đoạn đường này có dựng rào chắn cao nhưng vẫn cố tình trèo qua rào chắn. Mặt cắt đường quốc lộ 1A khá lớn, lưu lượng phương tiện qua lại rất đông, nhiều xe tải chạy với tốc độ cao, nên khi gặp người đi bộ băng qua đường, lái xe khó xử lý và tai nạn rất dễ xảy ra.

Tại cầu vượt Bệnh viện Từ Dũ, cầu vượt được xem hiện đại nhất TPHCM với mái che, kính chắn kiên cố, dù mật độ giao thông qua tuyến đường này rất cao và nhu cầu qua lại giữa 2 cơ sở của bệnh viện luôn đông đúc, nhưng rất ít người sử dụng. Người dân và thậm chí cả các y, bác sĩ của bệnh viện đều băng ngang qua đường vừa nhanh, vừa đỡ mất công leo lên cầu. Ở Bệnh viện Từ Dũ cầu vượt vắng người cũng một phần do đối tượng ở đây đa phần là các bà bầu.

Có ý kiến phản ánh, nguyên nhân cầu vượt này ít người sử dụng do vị trí xây cầu chưa hợp lý, không thuận tiện. Theo thiết kế sẽ nối nhịp trực tiếp lên lầu 1 của Bệnh viện Từ Dũ nhưng đến nay vẫn chưa nối được. Vì vậy, khi cơ sở mới của Bệnh viện Từ Dũ được xây dựng thì cầu vượt này hầu như bị bỏ hoang.

Tương tự, các cây cầu vượt cho người đi bộ trên đường Nguyễn Trãi (Bệnh viện Nguyễn Trãi), đường Điện Biên Phủ (trước chợ Văn Thánh, quận Bình Thạnh), công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), công viên Kỳ Hòa (đường Lê Hồng Phong, quận 10), đều chung vẻ đìu hiu.

Nâng cao ý thức người dân

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, ngoài thói quen thích băng ngang qua đường cho nhanh, ngại lên cầu vượt, hầm chui vì xa hơn, mệt hơn, còn do việc vị trí xây dựng một số cầu chưa hợp lý nên không được nhiều người sử dụng.

Chẳng hạn như cầu vượt Văn Thánh, thỉnh thoảng mới có người đi vì nhu cầu người dân qua đường ở khu vực này rất ít, lại thiết kế ngay ngã tư, nơi người dân có thể đi bộ qua đường nên chẳng cần cầu vượt làm gì. Đáng ra cầu vượt ở bệnh viện phải thiết kế đi luôn vào trong bệnh viện cho tiện.

Ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, các cầu vượt bộ hành chủ yếu phục vụ cho người dân qua đường vào các bệnh viện cho an toàn và tránh xảy ra ùn tắc vào các giờ cao điểm. Song, do thói quen của người dân muốn cho nhanh, cho tiện nên không chịu sử dụng cầu. Trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ có các biện pháp kỹ thuật để chấn chỉnh việc này. Cụ thể, sử dụng biện pháp bắt buộc xây dựng hàng rào chắn dọc 2 bên đường dưới chân cầu vượt để người dân phải sang đường bằng cầu này trước Bệnh viện Ung bướu và một số cầu khác.

Theo ông Toàn, ngoài các biện pháp trên, việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân mới là vấn đề cốt lõi để người dân ý thức được việc sử dụng cầu vượt, hầm chui an toàn cho bản thân mỗi khi qua đường.

Một lý do nữa khiến cầu vượt dành cho người đi bộ không phát huy hiệu quả chính là việc thiếu những giải pháp khống chế giao thông đi kèm, như: đặt dải phân cách trên đường để người dân không tùy tiện băng ngang hoặc lắp đặt những rào chắn buộc phải sử dụng cầu vượt.

Nhằm kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn TPHCM, Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT) đang khảo sát xây dựng thêm một số cầu vượt bộ hành và hầm bộ hành; nghiên cứu đề xuất các phương án xã hội hóa trong công tác đầu tư xây dựng và quản lý các cầu vượt cho người đi bộ trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), trước Bến xe An Sương - quốc lộ 22... Ngoài ra, còn có giải pháp được đề xuất là xây dựng một số cầu quay đầu xe, cầu vượt kết cấu thép lắp ráp (tải trọng dưới 3 tấn); mở rộng các hẻm nối thông giữa các tuyến đường để giảm áp lực giao thông cho các tuyến chính và nút giao thông có lưu lượng xe cao…

Quốc Hùng - Lương Thiện

Tin cùng chuyên mục