Cây trồng biến đổi gien- Từ Philippines đến Việt Nam

Tại Đông Nam Á, Philippines là quốc gia sản xuất những vụ mùa cây bắp biến đổi gien sớm nhất và đã có những kết quả rất khả quan. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Reynaldo V.Ebora, Giám đốc Viện Quốc gia về sinh học phân tử và công nghệ sinh học tại Đại học Los Banos Philippines về những kinh nghiệm của Philippines và triển vọng ứng dụng công nghệ cây biến đổi gien tại Việt Nam nhân chuyến làm việc của ông tại Việt Nam.
Cây trồng biến đổi gien- Từ Philippines đến Việt Nam

Tại Đông Nam Á, Philippines là quốc gia sản xuất những vụ mùa cây bắp biến đổi gien sớm nhất và đã có những kết quả rất khả quan. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Reynaldo V.Ebora, Giám đốc Viện Quốc gia về sinh học phân tử và công nghệ sinh học tại Đại học Los Banos Philippines về những kinh nghiệm của Philippines và triển vọng ứng dụng công nghệ cây biến đổi gien tại Việt Nam nhân chuyến làm việc của ông tại Việt Nam.

Cây trồng biến đổi gien- Từ Philippines đến Việt Nam ảnh 1

Ngô (bắp) biến đổi gien góp phần đảm bảo an ninh lương thực, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân đang được nghiên cứu trồng tại Việt Nam. Ảnh: T.KHANH

 ° PV: Thưa giáo sư, Philippines bắt đầu đưa cây bắp biến đổi gien vào đồng ruộng khi nào? Và từ đó đến nay, việc tiêu thụ sản phẩm từ cây biến đổi gien ra sao?

° TS REYNALDO V.EBORA: Philippines đưa cây bắp biến đổi gien vào sản xuất rất sớm, từ năm 1999, chỉ 3 năm sau khi cây biến đổi gien được thương mại hóa. Chúng tôi thí điểm ở hai vùng đồng bằng miền Bắc và miền Nam do điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp. Những vụ bắp biến đổi gien cho sản lượng cao hơn bắp thường từ 46% đến 60%, vì vậy giá thành của bắp này rẻ hơn.

Việc tiêu thụ sản phẩm từ cây biến đổi gien cũng tăng lên. Qua nghiên cứu, chúng tôi khẳng định cây trồng biến đổi gien hoàn toàn an toàn, đặc biệt giống cây này có tính kháng rầy cao và quan trọng hơn, không làm thay đổi môi trường sinh thái như nhiều người lầm tưởng. Chính phủ Philippines ủng hộ mạnh mẽ việc ứng dụng cây trồng biến đổi gien.

° Thưa tiến sĩ, việc đưa thực phẩm biến đổi gien vào thị trường có gặp tranh cãi không?

° Thực tế là có, chủ yếu từ một số tổ chức phi chính phủ. Để làm sáng tỏ những tranh cãi này, chúng tôi tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học, mời các nhà khoa học hàng đầu tới giải thích. Cũng có cái khó như để giải thích cho công chúng về một vấn đề khoa học với nhiều thuật ngữ thì không phải ai cũng hiểu được. Trong quá trình thương mại hóa cây biến đổi gien cũng có vài nhà khoa học phản đối, nhưng lập luận của họ không dựa trên những cơ sở khoa học mà chủ yếu là định kiến cá nhân hoặc định kiến chính trị. Người ta thường bảo “chín người mười ý” nên trong xã hội có nhiều ý kiến như vậy là chuyện bình thường. Một sản phẩm mới tung ra thị trường đòi hỏi phải có thời gian thẩm thấu vào xã hội. Nếu bạn nhìn biểu đồ tiêu thụ thực phẩm biến đổi gien sẽ thấy số lượng chấp nhận cây biến đổi gien ngày càng tăng. Hiện đã có 25 nước chấp nhận và tôi hy vọng Việt Nam sẽ là nước thứ 26 ghi tên trên bản đồ những nước sử dụng công nghệ cây trồng biến đổi gien.

° Tại Philippines thực phẩm biến đổi gien được đưa ra thị trường đại trà chung với thực phẩm bình thường. Trong khi vẫn còn tranh cãi, tại sao Philippines không dán nhãn phân biệt thực phẩm biến đổi gien như ở một số nước khác?

° Nếu buộc phải dán nhãn phân biệt thực phẩm biến đổi gien có thể gây khó khăn cho nông dân trồng cây lương thực biến đổi gien. Thứ nhất là không khả thi vì sẽ làm tăng thêm chi phí cho nông dân, không kích thích nông dân tham gia trồng những loại cây như thế. Nông dân Philippines thường canh tác trên diện tích nhỏ và còn xen canh cây trồng bình thường nên không thể phân loại ngay trên đồng ruộng. Mỹ có diện tích gieo trồng lớn nên dễ dàng hơn khi phân loại, dán nhãn ngay từ đồng ruộng.

° Nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng của Việt Nam, ông có cho rằng Việt Nam thích hợp để phát triển cây trồng biến đổi gien?

° Việt Nam có khả năng phát triển cây trồng biến đổi gien. Thứ nhất, các nhà khoa học Việt Nam được đào tạo rất tốt, sẽ đóng góp quan trọng cho việc phát triển công nghệ biến đổi gien. Điều kiện đất đai, khí hậu rất giống với Philippines, ngoài ra còn có hệ thống thủy lợi thuận lợi. Bên cạnh đó, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ biến đổi gien vào cây trồng và phát huy hiệu quả của kỹ thuật canh tác trên đồng ruộng. Trước mắt chúng tôi có thể bán hạt giống và sau đó chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Ở Philippines, thời gian đầu chúng tôi cũng phải mua hạt giống từ nước ngoài, sau đó các nhà khoa học mới bắt đầu nghiên cứu tạo giống nhưng dĩ nhiên phải qua quá trình giám sát chặt chẽ. Vấn đề quan trọng, Việt Nam quyết định ứng dụng vào loại cây gì, sau khi tham khảo ý kiến các nhà khoa học. Một lần nữa tôi hy vọng Việt Nam sẽ là nước thứ 26 trên thế giới áp dụng công nghệ biến đổi gien vào nông nghiệp, giúp tăng sản lượng một số loại cây lương thực, mang lại lợi nhuận cao hơn cho người nông dân.

° Xin cảm ơn tiến sĩ.

Trên thế giới, công nghệ biến đổi gien cây trồng được áp dụng từ năm 1990 và đến năm 1996 đã được thương mại hóa. Đặc biệt được ứng dụng trong nông nghiệp nhằm tăng năng suất và góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Từ đó đến nay diện tích cây trồng biến đổi gien đã tăng 80 lần, với 14 triệu nhà nông ở 25 quốc gia trên thế giới đưa cây lương thực biến đổi gien vào đồng ruộng của mình. Lợi nhuận ròng kinh tế toàn cầu của công nghệ sinh học trong năm 2008 ước tính 9,2 tỷ USD và hơn một nửa lợi nhuận này thuộc về nông dân các nước đang phát triển.

VIỆT TRUNG

Tin cùng chuyên mục