CEO trẻ nhất ngành ngân hàng: “Vàng thật không sợ lửa”!

Tự tin và bản lĩnh là ấn tượng đầu tiên mà ông Phạm Duy Hiếu - tân Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) – đem lại. Lèo lái VietABank trong năm 2012 đầy biến động, nhưng vị CEO thế hệ 7X này lại xem đó là cơ hội.
CEO trẻ nhất ngành ngân hàng: “Vàng thật không sợ lửa”!

Tự tin và bản lĩnh là ấn tượng đầu tiên mà ông Phạm Duy Hiếu - tân Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) – đem lại. Lèo lái VietABank trong năm 2012 đầy biến động, nhưng vị CEO thế hệ 7X này lại xem đó là cơ hội.

- Có nhiều năm kinh nghiệm điều hành trong ngành tài chính – ngân hàng và vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chuẩn y làm Tổng Giám đốc VietABank, ông đồng thời là một trong những CEO ngân hàng trẻ nhất. Với ông, đây là lợi thế hay áp lực?

Tân Tổng Giám đốc VietABank Phạm Duy Hiếu

Tân Tổng Giám đốc VietABank Phạm Duy Hiếu

- Ông Phạm Duy Hiếu: Theo tôi, đây không phải là trường hợp quá đặc biệt. Trào lưu tuyển dụng và bổ nhiệm CEO thế hệ 7X đang phổ biến ở nhiều ngân hàng. Thứ nhất, thế hệ 7X trở về sau được đào tạo, rèn luyện và có cơ hội cập nhật kiến thức, kỹ năng quản lý ngân hàng hiện đại theo thông lệ quốc tế. Thứ hai, thế hệ này bắt đầu chín muồi về tuổi tác và kinh nghiệm quản lý, lại đang trong giai đoạn sung sức và quyết liệt nhất trên con đường đổi mới, bắt kịp xu thế thời đại.

Dĩ nhiên, lợi thế luôn song hành với áp lực, đòi hỏi thế hệ 7X không chỉ trẻ ở tuổi tác mà còn phải trẻ ở phong cách tiếp cận, phương thức làm việc. Trên thực tế, có những CEO lớn tuổi nhưng rất xông xáo trên thương trường, trong khi nhiều người trẻ lại thận trọng quá mức cần thiết. Khi nhận nhiệm vụ CEO VietABank, tôi nghĩ rằng để sức trẻ của mình trở thành lợi thế phải có sự gắn kết với kinh nghiệm của Hội đồng quản trị và đội ngũ đồng nghiệp lâu năm.

- Theo ông, CEO ngân hàng cần có những phẩm chất gì? Nguyên tắc kinh doanh riêng của ông là gì và ông vận dụng nó như thế nào?

- Yêu cầu quan trọng nhất của CEO ngân hàng là đạo đức nghề nghiệp, vì một quyết định sai lầm của CEO có thể ảnh hưởng đến nhiều người, dẫn đến hậu quả lâu dài cho tổ chức và thậm chí gây tổn hại uy tín của cả ngành tài chính – ngân hàng. Đạo đức nghề nghiệp của CEO ngân hàng là luôn đặt lợi ích của tổ chức, cổ đông và khách hàng lên trên lợi ích cá nhân. Bên cạnh đó, để trở thành một CEO thành công cần phải có tinh thần trách nhiệm cao, kỷ luật trong kinh doanh, và tất nhiên không thể thiếu năng lực sáng tạo. Điều hành một tổ chức mà không đem lại điều gì mới mẻ thì khó nổi trội lên được.

Hiện nay, lợi nhuận kinh doanh không phải là vấn đề. Nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) năm nào cũng đạt hoặc vượt chỉ tiêu lợi nhuận. Vấn đề ở chỗ, chất lượng hoạt động phải tương ứng với việc hoàn thành chỉ tiêu. Ngân hàng chạy theo lợi nhuận ngắn hạn bằng mọi giá có thể gặp rủi ro trong dài hạn. Với VietABank, đạt chỉ tiêu 2012 không phải là mục đích tối thượng, mà quan trọng là hoàn thành chỉ tiêu đó một cách bền vững,  đảm bảo các chỉ số về quản trị rủi ro để đặt nền móng cho những năm tiếp theo.

Quan điểm của tôi cũng như VietABank là xây dựng giá trị dựa trên sự hài lòng của khách hàng và không ngừng nỗ lực để gia tăng số lượng khách hàng hài lòng.

- Nhiều người cho rằng trước đây, VietABank chưa phải là một ngân hàng lớn và nổi trội. Theo ông, VietABank có những thế mạnh cạnh tranh nào so với các NHTM khác?

- Trong ngành tài chính – ngân hàng, quy mô lớn hay nhỏ không quyết định ngân hàng lành mạnh hay không, đặc biệt vào thời điểm này. Ngân hàng lớn mà quản trị yếu, không để ý đến khách hàng cũng có thể sụp đổ. Do đó, VietABank đặc biệt chú trọng đến hai yếu tố: an toàn và hiệu quả. An toàn cho khách hàng và hiệu quả trong đảm bảo lợi ích cho các cổ đông, điều đó mới tạo nền tảng vững chắc.

Thế mạnh truyền thống của VietABank từ nhiều năm nay là kinh doanh vàng và VietABank hiện nằm trong nhóm các ngân hàng dẫn đầu về dịch vụ liên quan đến vàng. Nghị định 24 của Chính phủ sắp xếp lại hoạt động của ngành vàng theo hướng bài bản sẽ giúp VietABank càng phát huy thế mạnh ấy để vươn lên vị trí số một về vàng tại thị trường Việt Nam.

- Theo ông, kinh doanh ngân hàng thời điểm hiện nay có thuận lợi và khó khăn gì?

-  Sau những biến động bất lợi của nền kinh tế, Chính phủ và NHNN đã có những những chương trình quyết liệt nhằm lành mạnh hóa hệ thống tài chính tín dụng, trong đó ngành ngân hàng phải thẳng thắn nhìn nhận có quá nhiều vấn đề như nợ xấu, thanh khoản, sở hữu… Các NHTM phải trải qua một đợt sát hạch, ngân hàng nào đạt tiêu chuẩn, thay đổi tư duy quản trị điều hành cũng như sản phẩm hướng tới khách hàng mới tồn tại được. Với chúng tôi, khó khăn cũng chính là cơ hội, giống như thuật ngữ “lửa thử vàng”. Với sức trẻ nhiệt huyết và sự đồng lòng từ Hội đồng quản trị, Ban điều hành cùng tập thể CBNV, VietABank sẽ bứt phá và chứng minh “vàng thật không sợ lửa”.

- Hiện nay, trần lãi suất huy động giảm, nợ xấu tăng cao, tín dụng tăng trưởng khó, xu hướng sáp nhập ngân hàng diễn ra quyết liệt… Tất cả sẽ tác động bất lợi với các ngân hàng vừa và nhỏ. Ông sẽ thực hiện những biện pháp gì để giúp VietABank vượt khó khăn?

- Theo Quyết định 254 của Chính phủ về tái cơ cấu hệ thống NHTM, Thủ tướng đã chỉ đạo NHNN phân loại NHTM ra 3 mức độ: tài chính tín dụng lành mạnh, mất thanh khoản tạm thời và yếu kém; không hề đề cập đến quy mô ngân hàng. VietABank đang giành được sự tín nhiệm của khách hàng và thị trường, bằng chứng là tiền gửi tại VietABank liên tục gia tăng. Trên thị trường liên ngân hàng, uy tín của VietABank thể hiện qua việc được nhiều ngân hàng giao dịch bằng hình thức tín chấp. Hơn nữa, ở từng thời điểm khác nhau, VietABank cũng cung cấp vốn cho một số ngân hàng bạn.

Năm nay, dù được NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nhưng VietABank sẽ cẩn trọng trong việc phát triển tín dụng, thay vào đó sẽ tập trung xử lý nợ và hỗ trợ khách hàng nhằm giúp họ có cơ hội phục hồi. Bên cạnh đó, VietABank sẽ bắt đầu đầu tư một cách thận trọng, chú trọng hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp có quan hệ sở hữu cổ phần để đem lại lợi nhuận cho cả hai bên.

Thông điệp của VietABank năm 2012 là 3 chữ T: tận tâm trong mọi hành động, tiết kiệm hôm nay để có được tăng trưởng ngày mai.

- Cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục