“Cha đẻ” Thanh tra Trần là ai ?

“Cha đẻ” Thanh tra Trần là ai ?

Giới hâm mộ thể loại tiểu thuyết hình sự trên thế giới hiện rất thích tác phẩm Thanh tra Chen của nhà văn Khưu Tiểu Long (53 tuổi, người Mỹ gốc Trung Quốc). Rất nhiều fan từ Đức hoặc Mỹ cũng “hành hương” đến Thượng Hải - nơi chào đời của nhà văn Khưu - để tận mắt tham quan những địa chỉ mà Thanh tra Trần từng thực hiện nghiệp vụ, và cũng để thưởng thức món bánh bao mà vị lãnh đạo hư cấu của Sở Công an Thượng Hải này ưa thích.

“Cha đẻ” Thanh tra Trần là ai ? ảnh 1

Nhà văn Khưu Tiểu Long

Hiện Thanh tra Trần có 4 tập là Cái chết của một nữ anh hùng (năm 2000), Nghệ sĩ múa trung thành (2002), Khi đỏ thành đen (2004) và Vụ án của hai thành phố (2006). Cả 4 tập này đều bán được 700.000 bản và in ra 16 thứ tiếng, trong đó gồm cả tiếng Hoa! Bởi vì ông Khưu sáng tác bằng tiếng Anh thay vì tiếng Phổ thông. Tập hay nhất có lẽ là Khi đỏ thành đen, kể về một chiến công của Thanh tra Trần, sau khi điều tra cái chết của một nhà văn từng là chiến sĩ Hồng vệ binh. Tác phẩm này mang tính chất thời sự, như sự va chạm quyền lợi giữa một số quan chức, các đại gia làm ăn và những tổ chức tội phạm hình sự.

Thanh tra Trần dưới ngòi bút của ông Khưu là một nhân vật sống như triết gia, tiếp xúc với nhiều người, làm thơ và rất giỏi nghiệp vụ điều tra. Dù vậy, ông Khưu vẫn bị chê là viết truyện hình sự “chưa tới”, giống cuốn cẩm nang hướng dẫn du lịch tham quan Thượng Hải nhiều hơn là một cuốn truyện. Thực chất là vậy, vì ông Khưu rất yêu thành phố này, từ khi qua Mỹ học lúc 33 tuổi với học bổng của Quỹ Ford hồi năm 1988. Trước đó, ông Khưu cùng bố là một nhà doanh nghiệp sống tại quận Hoàng Phố.

Ông Khưu  lúc bé rất ốm yếu và mê sách, nên cũng tập tành làm thơ rồi tự học tiếng Anh. Sau này những bài thơ hiện thực chủ nghĩa của ông được đăng trên nhiều tờ báo, giúp ông được chọn vào Hội Nhà văn Trung Quốc. Năm 1981, ông Khưu  rời Bắc Kinh trở về Thượng Hải để giữ một chân trong Viện Hàn lâm Khoa học xã hội. Rồi ông đi Mỹ và làm giáo sư  giảng dạy tại Đại học Washington ở thành phố St. Louis, cho đến năm 1995 mới trở lại Thượng Hải, để rồi nhận ra nơi sinh quán hoàn toàn thay đổi. “Lúc tôi chưa đi Mỹ, còn có rất nhiều tạp chí văn học, nay thì không tìm ra được tờ nào. Gặp gỡ nhiều người, họ không hiểu khi tôi kể tôi viết sách. Họ bảo viết văn đâu có nhiều tiền, sao tôi không mở công ty đi”. 

 Không phải ngẫu nhiên mà tập thơ Don Quixote của ông kể lại những cảm xúc lúc mới hồi hương. Nhưng ông Khưu nhận ra làm thơ để nói về sự thay đổi xã hội thì quá ít không gian. Vì thế ông nghĩ đến chuyện sáng tác văn học. Thanh tra Trần ra đời từ đó .

Diên Hy (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục