Dư luận Hàn Quốc tiếp tục dậy sóng vì vụ cựu Phó Chủ tịch Korean Air Cho Hyun-ah phải hầu tòa do cáo buộc vi phạm luật an toàn hàng không. Người Hàn Quốc cho rằng do có quá nhiều ưu đãi nên các thế hệ sau của các tập đoàn kinh tế gia đình đã lạm dụng quyền hành.
Tự hào lẫn chán ghét
Chaebol là cụm từ chỉ các tập đoàn kinh tế gia đình hùng mạnh của Hàn Quốc. Những chaebol được hình thành từ thập niên 1960 dưới chính sách của cố Tổng thống Park Chung-hee để đưa một Hàn Quốc từ quốc gia bị tàn phá sau chiến tranh trở thành một cường quốc kinh tế như hiện nay. Trải qua hơn nửa thế kỷ, người Hàn Quốc vừa cảm thấy tự hào lẫn chán ghét các chaebol. Nguyên nhân xuất phát từ sự phụ thuộc quá lớn của nền kinh tế Hàn Quốc vào chaebol khi các tập đoàn này đóng góp đến 2/3 GDP cho nền kinh tế Hàn Quốc.
Tuy không thể phủ nhận những thành quả kinh tế vượt bậc mà chaebol mang lại cho Hàn Quốc nhưng những tập đoàn gia đình đã đem lại hệ lụy như khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, những doanh nghiệp nhỏ bị chèn ép, phá sản dẫn đến việc người đứng đầu doanh nghiệp phải tự tử. Những doanh nghiệp này phải gồng mình để phát triển dưới cái bóng khổng lồ của các chaebol do có lợi thế về quy mô, sẵn sàng phá giá hoặc đẩy đối thủ nhỏ lẻ ra khỏi sân chơi chung.
Nhà máy sản xuất ô tô của Hyundai tại Trung Quốc
Năm 2012, Tổng thống Park Geun-hye khi vận động tranh cử từng cam kết sẽ kiềm chế sức mạnh của các chaebol và hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp nhỏ. Nhưng cho đến nay, những cam kết này vẫn chưa phát huy nhiều tác dụng trong việc kiềm chế sức mạnh của các siêu ông lớn. Trong quá khứ, ở các chaebol xảy ra nhiều sự việc liên quan đến pháp luật.
Năm 2008, ông Chung Mong-koo, Chủ tịch Hyundai, bị buộc tội tham ô và vô trách nhiệm sau scandal bán cổ phiếu dưới mức giá thị trường cho con trai. Ông Chung được hưởng án treo sau khi hứa dành 1.000 tỷ won (1 tỷ USD) làm từ thiện. Chủ tịch Tập đoàn Hanwha Kim Seung-youn, 60 tuổi, cũng bị kết án 4 năm tù giam sau khi sử dụng quỹ từ tập đoàn công nghiệp lớn thứ 10 Hàn Quốc trả nợ cho công ty tư nhân dưới các tên giả.
Từ năm 2013 đến nay, đã có vài ông chủ trong các chaebol hàng đầu bị cáo buộc vi phạm pháp luật như Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won và em trai Chey Jae-won; Chủ tịch Tập đoàn Hanwha, ông Kim Seung-youn và Chủ tịch Taekwang - Lee Ho-jin…
Chuyển giao không thuận lợi
Sinh ra trong một gia đình chaebol nghiễm nhiên sẽ có một chức vị lãnh đạo trong các tập đoàn. Chính những sự sắp đặt sẵn này đã đẩy thế hệ thừa kế thứ 3 của các chaebol trở thành các “ông vua, bà chúa”. Điển hình trong số này là vụ cựu Phó Chủ tịch hãng Korean Air Cho Hyun-ah quát tháo tiếp viên trên chuyến bay của hãng vì phục vụ không đúng theo yêu cầu. Vụ việc khiến chuyến bay bị trễ giờ làm ảnh hưởng đến hàng trăm hành khách.
Các chuyên gia kinh tế lo ngại sự thăng tiến nhanh của những con, cháu chủ tịch chaebol có thể trở thành rủi ro với nền kinh tế. Đó là do những người sáng lập và con của họ (thế hệ thứ 2) đã trải qua hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống để gầy dựng sự nghiệp, trong khi thế hệ thứ 3 trưởng thành trong môi trường được bảo bọc không có khả năng giao tiếp và cảm thông với những người xuất thân từ các hoàn cảnh khác nhau.
Chính vì lẽ đó mà chaebol đang phải đối mặt với rủi ro quản lý phát triển liên quan đến việc chuyển giao quyền lực sang các thế hệ tiếp nối trong gia đình. Theo ông Song Min-kyung, một nhà nghiên cứu kinh tế tại Seoul, kế hoạch kế nhiệm không được kiểm soát có thể làm tổn hại đến thương hiệu công ty. Đã có nhiều lời kêu gọi từ các chuyên gia kinh tế yêu cầu chaebol phải cải cách trong quản lý nếu không muốn bị tụt lại so với những tập đoàn lớn trên thế giới. Nên ưu tiên củng cố hình ảnh thương hiệu và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới (R&D).
Thực tế cho thấy, không phải chaebol nào cũng thành công khi tiến ra thị trường nước ngoài như Samsung hay Hyundai. Sau một thập niên nỗ lực tiến rộng ra toàn cầu, các ngân hàng Hàn Quốc vẫn đang loay hoay thiết lập sự hiện diện ở các quốc gia khác, còn các nhà bán lẻ như Lotte và E-mart cũng phải chịu thua lỗ lớn khi mở rộng thị trường sang Trung Quốc và các quốc gia khác ở châu Á.
Samsung, một trong những chaebol lớn nhất Hàn Quốc, có bước khởi đầu không mấy suôn sẻ trong chuyển giao quyền lực. Phó Chủ tịch Lee Jae-yong, con trai của Chủ tịch Lee Kun-hee, phải tự xoay xở với bài toán tăng trưởng cho hơn 70 công ty mà gia đình ông đang kiểm soát, trong bối cảnh lợi nhuận mảng smartphone suy giảm. Hiện nay, ngôi đầu mảng điện thoại thông minh của Samsung đang bị thách thức bởi Apple (Mỹ) và các hãng như Xiaomi hay Lenovo (Trung Quốc). Giá cổ phiếu Samsung Electronics đã giảm 7,9% trong năm nay, sau khi đã giảm 9,9% trong năm ngoái.
Samsung gặp khó trong việc điều hành thì Tập đoàn Hyundai Motor lại gặp trúc trắc trong lúc chuyển giao các cổ phần sở hữu của gia đình Chủ tịch Chung Mong-koo. Ông Chung Mong-koo và con gái là Phó Chủ tịch Chung Eui-sun đã thất bại trong việc bán 5 triệu cổ phần của Công ty Hyundai Glovis Co. Do giá cổ phiếu trên thị trường Hàn Quốc sụt giảm nên tổng giá trị thương vụ không thu lại được số tiền dự kiến là 1,38 tỷ USD khiến gia đình ông Chung gặp trở ngại khi mua thêm các cổ phiếu ở các công ty con của Hyundai. Đây là bước đi được cho là củng cố thêm quyền lực của gia đình họ Chung trong các công ty do Hyundai sở hữu.
Vụ scandal ở Korean Air cũng khiến việc chuyển giao quyền lực của Hanjin Group - tập đoàn sở hữu hãng hàng không này thêm khó khăn. Hai con gái của ông Cho Yang-ho, Chủ tịch Hanjin Group, bà Cho Hyun-ah và bà Cho Hyun-min - những người thừa kế của công ty vấp phải sự tẩy chay của công chúng vì những hành động và phát ngôn sau khi xảy ra sự cố vào năm ngoái. Bà Cho Hyun-ah đã buộc phải từ bỏ vị trí Phó Chủ tịch của Korean Air trong bối cảnh giá cổ phiếu của công ty bị sụt giảm khiến việc huy động vốn gặp nhiều trở ngại.
PHƯƠNG NAM (Tổng hợp)