Chậm cổ phần hóa vì lợi ích riêng tư

Cách đây vài tháng, Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ) báo cáo kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cho biết, TPHCM nằm trong nhóm các đơn vị “đội sổ” trong công tác cổ phần hóa DNNN. Ngoài ra, có nhiều bộ ngành không cổ phần hóa được doanh nghiệp nào.

Cụ thể, đến giữa năm 2016 nhưng có rất nhiều đơn vị không cổ phần hóa được DNNN nào như Bộ Tài nguyên - Môi trường (0/5 doanh nghiệp), Bộ Thông tin và Truyền thông (0/4 doanh nghiệp), tỉnh Nam Định và Tiền Giang (đều 0/5 doanh nghiệp); Bình Dương, Đắk Lắk, Gia Lai (đều 0/3 doanh nghiệp)... Một số đơn vị khác cũng đạt tỷ lệ rất thấp, như Bộ Công thương chỉ mới cổ phần hóa được 2/12 doanh nghiệp, TPHCM chỉ mới cổ phần hóa được 6/21 doanh nghiệp. Mặc dù đến nay chỉ còn 1 quý nữa là hết năm nhưng công tác cổ phần hóa ở nhiều địa phương chỉ đạt được tỷ lệ rất nhỏ.

Đương nhiên, lý do chậm cổ phần hóa được các đơn vị giải thích là do thị trường chứng khoán ảm đạm, hoạt động cổ phần hóa với số lượng lớn, cung nhiều hơn cầu, nên thị trường không hấp thụ hết. Thế nhưng, chưa nói đến giai đoạn IPO, riêng ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp đã có quá nhiều khó khăn. Mỗi ngành nghề một đặc thù, do vậy không một quy chuẩn nào để áp dụng, tất cả phụ thuộc vào… cái tâm, nhận thức và sự nhiệt tình (những thứ vốn không cân - đo - đong - đếm được)! Ví như, việc xác định “giá trị thương hiệu”, “lợi thế đất đai”… là những thứ không có chuẩn; rồi rất nhiều doanh nghiệp đặc thù, có nhiều dự án dở dang, gây chậm trễ trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp.

Thế nhưng, một thực tế đã diễn ra, các địa phương đã chọn “việc nhẹ nhàng” làm trước, số doanh nghiệp còn lại phải cổ phần hóa là những doanh nghiệp lớn, quy mô lớn, tồn tại lớn, khối lượng vốn lớn. Điểm lại, rất nhiều doanh nghiệp ăn nên làm ra của TPHCM đã được cổ phần hóa sớm như Vissan, Cholimex Food, Intresco… Trong khi, cái còn lại hầu hết là “xương xẩu”, làm ăn không lãi, hoặc các tổng công ty không tự doanh mà chủ yếu là quản lý vốn nhà nước ở các công ty con. Những “mẩu xương” này thường gây ra một bất hợp lý là đã không hấp dẫn nhà đầu tư, lại khó xác định giá trị doanh nghiệp vì vốn chồng chéo. Và một lý do “tế nhị” nữa là, ở những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, cổ phiếu không hấp dẫn thị trường thì cũng đồng nghĩa với nhận định người lãnh đạo kém năng lực! Một khi lãnh đạo kém năng lực thì sau khi doanh nghiệp cổ phần hóa, chắc chắn lãnh đạo doanh nghiệp cũ sẽ bị “mất ghế” vì chẳng ai bầu. Đó chính là lý do người đứng đầu không nhiệt tình trong công tác cổ phần hóa tại doanh nghiệp.

Mục tiêu lớn của Nhà nước trong cổ phần hóa là minh bạch hoạt động doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế. Công tác cổ phần hóa còn hướng đến thực hiện luật chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế khi nước ta tham gia sâu vào các “sân chơi” quốc tế; tránh thất thoát nguồn vốn nhà nước, làm ăn theo kiểu “cha chung không ai khóc”! Nhiều lần Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp để đảm bảo quyền, lợi ích và tài sản nhà nước. Thế nhưng, cái cần, có lẽ là phải có chế tài trách nhiệm đối với người đứng đầu các bộ ngành, địa phương nếu chậm thực hiện hoặc để xảy ra tình trạng thất thoát vốn, lợi ích nhóm trong quá trình cổ phần hóa DNNN. Có mạnh tay mới tạo động lực đẩy nhanh cổ phần hóa DNNN, đồng thời đẩy những cán bộ quản lý DNNN làm ăn thua lỗ cố bám ghế.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục