Chạm đến tham vọng

Bóng đá Việt Nam trong một vài thời điểm cụ thể, vẫn hay nhắc đến giấc mơ được một lần dự World Cup. Tuy nhiên, ngoài một bản đề án bị cho là “viển vông” được đưa ra hồi năm 2001, thì phần lớn thời gian sau đó, khát vọng World Cup thậm chí còn chẳng hình thành nổi một ý tưởng cụ thể nào cả. Vì thiếu những hành động thiết thực, nên đến năm 2018, tức là cột mốc phải có vé dự World Cup của đề án cũ, chúng ta chỉ mới lần thứ 2 vô địch Đông Nam Á.

Nhưng ngay lúc này, một tấm vé dự World Cup đang dần chuyển thành tham vọng thực sự. Từ người hâm mộ cho đến những nhà chuyên môn đều nói về việc dự World Cup như một điều gì đó không còn là giấc mơ xa vời. Chúng ta đang tính đến việc sẽ phải đạt vị trí nào ở bảng G để trở thành 1 trong 12 đội mạnh nhất châu Á trước khi chinh phục tấm vé dự World Cup 2022. Vậy tại sao chỉ sau 18 tháng, kể từ khi đoạt á quân U.23 châu Á, tham vọng dự World Cup lại trở nên quá rõ ràng?

Câu trả lời nằm ở những hành động cụ thể mà chúng ta đã làm, đã gặt hái, đã được ghi nhận. Không có lứa cầu thủ U.23 tài năng, thì sẽ không thể có vinh quang ở AFF Cup 2018. Không vô địch Đông Nam Á thuyết phục, thì sẽ khó có những trận đấu kiên cường ở đẳng cấp Asian Cup 2019.

Chính nhờ việc vào đến tứ kết giải châu lục mà Việt Nam mới có mặt ở nhóm hạt giống số 2 để rơi vào một bảng đấu với các đối thủ cùng trình độ. Mặc dù chỉ 18 tháng, chưa kịp hết thời hạn hợp đồng đầu tiên với HLV Park Hang-seo, nhưng rõ ràng tham vọng World Cup của bóng đá Việt Nam là một quá trình có tính logic, được chứng minh bằng hành động chứ không còn ở ý tưởng hay khát vọng mang yếu tố tinh thần.

Ai cũng thấy tiềm năng của bóng đá Việt Nam từ trước đến nay không hề thay đổi. Đội ngũ hiện nay của HLV Park Hang-seo không hề vượt trội về thể hình hay trình độ kỹ thuật. Sự ủng hộ của người hâm mộ bây giờ cũng không nhiều hơn trước đây. Vậy phải chăng gần 18 năm đã qua, bóng đá Việt Nam đã lãng phí khủng khiếp năng lực của mình, không chạm nổi đến khát vọng dù có ít nhất 2 thế hệ tài năng cùng một giai đoạn 2007-2009 rất thăng hoa?

Có thể nói là vậy, nhưng đó cũng là bài học lớn. Nhìn 18 năm trước để các nhà làm bóng đá Việt Nam cần có những hành động cụ thể, có tính tác động cao, thay vì “vẽ” ra các ý tưởng trên giấy. Ví dụ như tại sao cho đến lúc này, gần 7 năm trôi qua kể từ khi có những phản ứng đầu tiên, mà VFF vẫn không thể giải quyết dứt điểm nghi vấn “1 ông bầu - nhiều đội bóng”.

Nếu luật lệ có kẽ hở thì phải hoàn thiện, nếu không thể chứng minh bằng con số thì phải mạnh dạn thay đổi thể thức thi đấu và quy trình giám sát hòng hạn chế tối đa khả năng xảy ra sự việc. Để bóng đá phát triển mạnh, chúng ta cần 14 CLB V-League có 14 ông bầu, hoặc phải nhiều hơn chứ không phải là “một người thao túng, nhiều người ngao ngán”.

Một hành động cụ thể khác đó là tăng sức mạnh tài chính. Muốn có đẳng cấp cao thì buộc phải dùng chuyên gia nước ngoài, phải có hệ thống hỗ trợ chuyên môn tân tiến, đồng nghĩa với chi phí đầu tư cho các đội tuyển quốc gia tăng theo cấp số nhân. Như vậy, các nhà quản lý không thể chờ đợi thành tích đội tuyển tốt để thuận lợi về mặt tài chính, mà phải ngược lại, phải tìm cách kiếm thật nhiều tiền để phục vụ cho tham vọng vươn cao.

Suốt gần 18 năm không có hành động đột phá nào, bóng đá Việt Nam cứ ở trong một cái vòng luẩn quẩn: Tiền ít - thành tích kém - mục tiêu nhỏ. Tầm nhìn ngắn trong khu vực Đông Nam Á đến mức không có nổi khát vọng nào cả, nên chiếc HCV SEA Games vẫn còn ám ảnh đến tận thời điểm này. Rất may là đã có những đội bóng biết đầu tư bóng đá trẻ, may mắn khi có HLV Park Hang-seo, để bóng đá Việt Nam đến lúc phải hành động quyết liệt hơn cho các tham vọng tương lai, không thể để trễ hơn được nữa.

Tin cùng chuyên mục