Chăm lo đời sống văn hóa

Không phải cứ đến dịp tết thì đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân mới được chăm lo, mà điều này đã được thực hiện thường xuyên, cơ bản, nhất là từ khi Đảng ra Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tuy nhiên, dịp tết cổ truyền thường là thời điểm tiêu biểu cho các hoạt động văn hóa trong năm, với những chương trình, tiết mục hay nhất, giàu ý nghĩa nhất. Không khí nhộn nhịp của ngày xuân cũng mang lại bao điều thú vị, sôi động cho các chương trình biểu diễn, trưng bày về văn hóa phục vụ hàng vạn lượt người thưởng thức. Mùa tết, đời sống vật chất sung túc hơn và đời sống tinh thần phong phú hơn.

Trước thềm năm Quý Tỵ, cùng với muôn hoa khoe sắc, TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đang khoác lên mình bộ trang phục mới mang dáng vẻ thanh bình, thịnh vượng. Điều này xuất phát từ bản chất xã hội, từ niềm tin và ước vọng của nhân dân bao đời, và càng sáng tỏ trong xã hội mới, một xã hội vì hạnh phúc của nhân dân.

Trong số những hoạt động văn hóa nổi bật không thể không nhắc tới Đường sách và Đường hoa Nguyễn Huệ. Điểm nhấn của Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Quý Tỵ 2013 là khu vực Xuân biển đảo ở cuối đường hoa (từ đường Mạc Thị Bưởi đến đường Tôn Đức Thắng). Bắt đầu là chiếc thuyền đi biển cách điệu trên một biển hoa tươi thể hiện mùa đi biển bội thu của bà con, xa xa có hàng dừa xanh, bãi cát trắng, thuyền thúng... Rừng cờ hội trang trí xung quanh nơi đây thể hiện sức mạnh của dân tộc từ ngàn xưa. Cuối đường là khóm hoa hướng dương trên nền nước xanh với hai cánh buồm hoa ở hai bên đường tượng trưng cho vầng thái dương mang đến bình minh, tương lai tươi sáng đẹp giàu cho đất nước.

Ngoài ra còn phải kể đến Hội hoa xuân TPHCM 2013 (ở Công viên Tao Đàn), chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật đêm giao thừa, biểu diễn nghệ thuật ở các công viên 23-9, Gia Định, Đầm Sen, Suối Tiên, Đại Nam, Thảo Cầm viên Sài Gòn, các chương trình phim tết, chương trình truyền hình… Nhưng thực tế không phải chỉ có vậy, càng ngày, TPHCM càng tản rộng các chương trình chăm lo văn hóa tết ra vùng ven và ngoại thành, vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ. Đây là một nét son của TP trong việc chăm lo nâng cao phúc lợi văn hóa cho bà con ở cả nội và ngoại thành.

Chợ hoa tết bây giờ không chỉ khu biệt ở trung tâm quận 1, quận 3 mà đã được tổ chức ở Phú Mỹ Hưng, quận 7, Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn… Có thể nói bà con sống ở các khu vực đền Bến Dược, di tích địa đạo Củ Chi, Bà Điểm - Hóc Môn, Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc ở quận 9, miệt Láng Le Bàu Cò - Bình Chánh hay tận khu vực Rừng Sác - Cần Giờ… đều có thể đón đợi thưởng thức những chương trình biểu diễn nghệ thuật của TP, tham quan hội hoa xuân tại địa phương, xem pháo hoa nghệ thuật và các chương trình đặc sắc trên màn ảnh truyền hình trong những ngày vui tết.

Dân gian quan niệm chân chất khi cho rằng văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là sức mạnh của nhân dân. Chăm lo vun bồi từ thế hệ này sang thế hệ khác để có được một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc luôn là công việc trọng yếu và thường xuyên. Từ đó, hình ảnh một nền văn hóa Việt Nam mới, hòa bình và thân thiện ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong xã hội chúng ta, góp phần thúc đẩy hợp tác và tháo dỡ ngòi nổ cho những xung đột tiềm tàng trong quan hệ quốc tế mà Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm.  

XUÂN THÁI

Tin cùng chuyên mục