
Bệnh võng mạc tiểu đường (VMTĐ) là một biến chứng của bệnh tiểu đường, gây tổn thương ở hai mắt, là một trong những nguyên nhân gây mù. Người đã mắc bệnh tiểu đường thì chắc chắn sẽ bị bệnh VMTĐ. Do đó, khi phát hiện có bệnh tiểu đường, phải đi khám mắt ngay.

Bệnh nhân khám mắt tại BV Mắt TPHCM.
Theo bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng - Trưởng khoa Đáy mắt Bệnh viện Mắt TPHCM, trong bệnh VMTĐ, các mạch máu nuôi dưỡng võng mạc (phần mặt sau bên trong cùng của mắt, có mạch máu nuôi dưỡng riêng để nhìn thấy mọi vật) bị giãn ra, nên máu, các chất dịch, mỡ… thấm qua thành mạch, làm cho võng mạc bị sưng phù, do đó mắt nhìn thấy mờ.
Bệnh VMTĐ cũng làm giảm tốc độ chuyển dịch của máu, làm tăng độ quánh của máu, dẫn đến việc các mạch máu bị tắc, gây thiếu máu võng mạc. Do võng mạc không được nuôi dưỡng đầy đủ nên sinh ra những mạch máu bất thường, gọi là tân mạch, tân mạch này dễ vỡ và gây chảy máu trong mắt.
Bệnh diễn tiến qua hai giai đoạn: Giai đoạn sớm tùy số lượng mạch máu bị giãn ra nhiều hay ít; các chất dịch, máu, mỡ thoát ra khỏi mạch máu gây sưng phù võng mạc nặng hay nhẹ mà mắt có biểu hiện bị mờ hay chưa. Như vậy, cần lưu ý trong giai đoạn này, bệnh có tổn thương ở võng mạc, nhưng mắt có thể chưa bị mờ.
Đừng chờ mắt mờ mới đi khám, mà nên đi khám mắt ngay ở bác sĩ chuyên khoa về đáy mắt. Bác sĩ sẽ soi đáy mắt, chụp hình võng mạc để phát hiện sớm các tổn thương trên võng mạc và cho chỉ định điều trị. Giai đoạn muộn là khi các tân mạch bị vỡ, gây chảy máu trong mắt, làm mắt bị mờ đột ngột. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến mù lòa.
Có nhiều cách điều trị. Điều trị bằng tia laser: Nhằm làm chậm sự tiến triển của bệnh, giúp bệnh nhân giữ được thị lực còn lại lâu hơn. Tia laser là tia sáng nhắm vào võng mạc thiếu máu để ngăn ngừa sự xuất hiện của các tân mạch, hoặc làm cho chúng teo lại. Nếu võng mạc bị sưng phù, laser được dùng để bịt kín những mạch máu bị rò. Điều trị bằng thuốc: Nhằm tăng cường oxy đến nuôi dưỡng võng mạc và làm cho sự tan máu ở võng mạc dễ dàng hơn. Điều trị bằng phẫu thuật: những tân mạch ở võng mạc có thể bị vỡ ra, gây chảy máu trong mắt, có khi cần phải can thiệp bằng phẫu thuật.
Việc ổn định lượng đường trong máu và huyết áp sẽ làm chậm sự tiến triển của bệnh… Bệnh nhân phải khám mắt định kỳ theo hẹn của bác sĩ. Nếu theo dõi và điều trị sớm thì càng có nhiều cơ hội phòng ngừa mù lòa.
HUY KHÔI