Chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ

Chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ

Sức khỏe răng miệng đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, đồng thời, nó cũng liên quan mật thiết đến sức khỏe toàn thân và mang lại sự tự tin cho trẻ.

Theo bác sĩ Đặng Thị Nhân Hòa- Nha khoa InnoCare, sâu răng là một bệnh thường gặp ở trẻ em, nó gây đau nhức, nhiễm trùng, chậm tăng cân. Hình thành thói quen chăm sóc răng miệng là rất cần thiết và nếu bắt đầu sớm sẽ giúp trẻ duy trì sức khỏe răng miệng khi trẻ lớn.

  • Tại sao răng sữa lại quan trọng?

Chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ ảnh 1

Nhiều phụ huynh nghĩ rằng răng sữa không quan trọng vì chúng sẽ sớm rụng đi. Thực ra răng sữa giữ một số chức năng rất quan trọng đối với sự phát âm, sự phát triển của xương hàm và góp phần tạo nên hình dạng bên ngoài của khuôn mặt trẻ.

Quan trọng hơn, răng sữa giúp duy trì khoảng trống cho răng vĩnh viễn sau này. Nguyên nhân chính gây ra sự chen chúc của răng vĩnh viễn là vì răng sữa bị mất sớm do sâu răng.

Sâu răng là bệnh thường hay gặp nhất ở trẻ em, nếu sức khỏe răng miệng không tốt còn ảnh hưởng đến dinh dưỡng, khiến trẻ kém phát triển.

  • Khi nào nên đưa trẻ đến nha sĩ ?

Nên đưa trẻ đến nha sĩ khi trẻ được 1 tuổi để phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh răng miệng (nếu có). Khi trẻ 3 tuổi - là khi tất cả răng sữa đã mọc, trẻ có thể ngồi trên ghế nha khoa cho nha sĩ kiểm tra răng. Làm cho trẻ cảm thấy vui và thoải mái khi khám răng là rất quan trọng.

Sau đây là vài lời khuyên cho buổi khám răng đầu tiên của trẻ: nếu trẻ xấu hổ hay sợ nha sĩ, hãy hỏi nha sĩ những chuyện về nha khoa để nói cho trẻ nghe trước khi cho trẻ khám răng. Tránh nói những câu như “can đảm lên” hay “đừng có sợ”, vì như vậy có thể gợi cho trẻ nghĩ đến việc khám răng như một điều không vui.

Đừng đánh lừa trẻ như “sẽ không đau”, nhưng sau đó trẻ thấy đau sẽ làm mất lòng tin nơi trẻ. Một số trẻ hợp tác tốt hơn trong lần khám răng đầu tiên nếu cha mẹ không cùng có mặt trong phòng khám. Tránh sử dụng những từ như “kim”, “chích thuốc”, “khoan”, thay vào đó là “một cái véo nhẹ” mà trẻ có thể hiểu được để giúp trẻ thấy thoải mái hơn. Ngoài ra, nên nói với nha sĩ nếu bạn có những thông tin giúp nha sĩ hiểu rõ hơn cách cư xử của trẻ.

  • Làm thế nào để chăm sóc răng cho trẻ tốt hơn?

Theo bác sĩ Võ Phú Cường, răng của trẻ có thể bị sâu sớm ngay từ lúc nhỏ, thường do các nguyên nhân: bú sữa mẹ hoặc bú bình (với sữa bột hay nước ép trái cây) trước khi đi ngủ; trẻ ngủ khi đang bú mẹ. Nếu trẻ có thói quen bú bình khi đi ngủ thì không dễ dàng ngưng tất cả cùng một lúc.

Đây là một số mẹo giúp phụ huynh giải quyết vấn đề: pha loãng bình sữa dần dần trong vòng từ một đến hai tuần cho đến khi trong bình chỉ còn nước lọc. Sau khi đã bỏ được bình sữa, nếu cần hãy đưa trẻ một núm vú giả sạch, một thứ đồ chơi nào đó. Trẻ có khóc thì cũng đừng bao giờ nhượng bộ. Sau mỗi lần bú xong, nên nhẹ nhàng lau sạch nướu và răng của trẻ bằng một miếng gạc mềm, ướt.

Phụ huynh có thể kiểm tra răng của trẻ mỗi tháng một lần để xem có những đốm nhỏ màu đen hay trắng hoặc những đường sọc trên răng không. Nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu nào hãy đưa trẻ đi nha sĩ khám. Sâu răng sớm ở trẻ cần được nhanh chóng điều trị để tránh bị đau răng và nhiễm trùng. 

NGỌC HẠ

Tin cùng chuyên mục