Có thể nói quyết định hợp tình, hợp lý về việc công bố cách chức Hiệu trưởng, Hiệu phó Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) liên quan đến vụ tai nạn gãy chân của nam sinh lớp 2 Trần Chí Kiên đã khép lại câu chuyện buồn của ngành GD-ĐT thủ đô suốt gần 2 tháng qua.
Cuối cùng, sự giả dối đã bị lật tẩy và quyết định xử lý kỷ luật người vi phạm, thiếu tư cách đạo đức nhà giáo - những người đứng đầu một ngôi trường - đã trả lại sự trong sạch cho môi trường giáo dục ở đây. Thế nhưng, dư âm và ảnh hưởng của sự việc này thì vẫn còn và nó đang góp phần làm xấu đi hình ảnh, đạo đức của nhà giáo thời nay. Chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2017, hàng loạt vụ việc như bạo hành học đường, xâm hại thân thể, sức khỏe, tinh thần của trẻ em, học sinh liên tiếp xảy ra ở các trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông đã khiến dư luận xã hội bức xúc, lo lắng. Không chỉ nhức nhối, khó tin trước nhiều vụ việc trẻ em bậc mầm non bị bạo hành dã man, phụ huynh còn cảm thấy bất an khi chứng kiến nhiều con trẻ bị tai nạn, thương tích do môi trường học đường thiếu an toàn, nhiều công trình xuống cấp không kịp sửa chữa... Và chỉ sau khi những thiên thần nhỏ bị bạo hành, bị tai nạn thương tích, chịu đớn đau về thể xác, tinh thần, thậm chí nguy hại đến tính mạng thì những người có trách nhiệm mới giật mình nhìn lại và đưa ra biện pháp chữa cháy, khắc phục.
Trong khi các chuyên gia giáo dục, các nhà tâm lý học liên tục báo động về tình trạng gia tăng bạo lực học đường và kêu gọi thầy cô hãy là tấm gương sáng về đạo đức, tác phong, thì đâu đó vẫn có “nhiều con sâu làm rầu nồi canh”. Vẫn còn đó một số thầy, cô thiếu kỹ năng sư phạm, thiếu tư cách, đạo đức và họ thích dùng bạo lực, thù hằn để dạy học trò.
Và cũng không thể tin được ngày càng có nhiều học trò ngổ nghịch “dám” đánh, chửi thầy cô như côn đồ, xã hội đen… Mới đây, hình ảnh lan truyền trên mạng về trận ẩu đả, quyết chiến giữa một thầy giáo với nữ sinh Trường THPT Tầm Vu 1, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang ngay tại lớp học khiến dư luận dậy sóng. Còn đâu hình ảnh mô phạm, tôn kính của người thầy khi nóng giận, không kiềm chế được cảm xúc và có hành vi thiếu chuẩn mực, phản giáo dục!?
Đúng như lo lắng của xã hội và người đứng đầu ngành giáo dục, gần đây bức tranh học đường không đảm bảo an toàn cùng nhiều vụ việc giáo viên vi phạm tư cách, đạo đức nghề nghiệp, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của ngành giáo dục lẫn đội ngũ nhà giáo chân chính. Câu hỏi làm thế nào để phụ huynh yên tâm gửi con và cảm thấy con mình được đảm bảo an toàn khi đến trường đang đè nặng đôi vai của những người đứng đầu ngành giáo dục, từng trường học.
Chính vì trách nhiệm nặng nề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa có văn bản chỉ đạo nóng về tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong các trường học, chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo. Bộ trưởng yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo phòng GD-ĐT, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Song song đó, thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm khi để xảy ra các vụ việc liên quan đến vi phạm đạo đức nhà giáo hoặc các vụ việc ảnh hưởng đến an toàn của người học. Xử lý kịp thời, nghiêm túc theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm…
Quy định về chuẩn mực nghề nghiệp giáo viên đối với từng bậc học đã có nhưng lương tâm, trách nhiệm, ý thức tôn vinh giá trị nghề nghiệp của mỗi thầy cô lại được đo bằng phẩm chất, nhân cách, đạo đức và tấm gương vì học trò, vì mầm non tương lai của đất nước. Các em không thể thành người, không thể sống nhân văn nếu được giáo dục bằng bạo lực, khiếm khuyết sự yêu thương, sẻ chia. Vì thế, ngoài bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên hiện tại, chúng ta phải có chiến lược tuyển chọn, đào tạo sinh viên sư phạm đạt chuẩn - hội đủ tài, đức và được trang bị kỹ năng sư phạm tốt. Có như thế, họ mới tiên phong đảm nhiệm vai trò kiến tạo tri thức, giáo dục học trò thành người đúng nghĩa như mục tiêu đổi mới giáo dục và chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra sau năm 2018.
KHÁNH BÌNH